Nếu tôi nhớ không lầm trong tạp chí “Thế Kỷ 21″ phát hành tại Quận Cam (Orange County California USA) có chuyên mục “Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương” do nhà văn Phạm Xuân Đài phụ trách từ những thập niên 80, 90. Ở chuyên mục này “cái bếp”, và các món ăn Việt là chủ đề xuyên suốt. Đã nhiều lần trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và những người Việt ở Mỹ, Canada, Châu Âu. Tôi hay hỏi: Khi xa Việt Nam mọi người luôn nhớ tới điều gì? Câu trả lời có mẫu số chung là các món ăn Việt Nam ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Vậy đó, cái bếp Việt luôn đỏ lửa trong nỗi nhớ thương khắc khoải của bầy chim di trú.
Nghĩ cũng thấy lạ, không mấy ai nhắc mối tình thuở học trò (của Ngày Xưa Hoàng Thị), nhắc tới tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh, Gia Long… những món ăn quê hương do mẹ nấu luôn chiếm ưu thế thượng phong trong mỗi lần trò chuyện. Tôi luôn có cảm giác hương vị các món ăn ấy vẫn đọng lại dai dẳng, vẫn tỏa hương trong tâm khảm, trong miền ký ức của bao người. Tôi có nói với nhà văn Hoàng Khởi Phong, nhà văn Phạm Xuân Đài, Cao Xuân Huy… khi các anh ở Mỹ sang Cộng hòa Séc:..” Không rõ người Việt Nam đầu tiên tỵ nạn – hoàng tử Lý Long Tường người con thứ 7 của vua Lý Anh Tông tránh sự truy sát của Trần Thủ Độ. Khi sang Cao Ly chọn nơi này là tổ quốc thứ 2, có nhớ các món ăn Việt không nhỉ?
Nhà văn Cao Xuân Huy trả lời: hỏi khó quá! Nhưng tôi tin chắc chắn là có, nhưng những người viết sử bỏ qua, cho đó thuộc về chi tiết vụn. Vụn thế nào được! (Tôi nghĩ thầm) mà không nói, bởi lẽ, theo thiển nghĩ của tôi: tình yêu, nỗi nhớ Tổ quốc, quê hương thường bắt đầu từ những cái nho nhỏ ấy…
Nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sỹ Phú Quang trong một lần tới Séc. Tôi mời hai anh vào Trung Tâm Thương Mại Sapa của người Việt. Hai anh đã thốt lên: Tới đây, nhìn biển hiệu các quán ăn, các cửa hàng bán thực phẩm thuần Việt, mình cảm nhận được cộng đồng của chúng ta đã mang theo văn hóa ẩm thực của quê hương tới xứ sở này. Và không có gì hơn khi món ăn Việt đã làm sứ giả tới các quốc gia mình cư trú, chiếm lĩnh một cách thuyết phục với người dân ở đây.
Đó cũng là một “căn cước, hộ chiếu văn hóa” của những người Việt nơi xa chúng ta đi và mang theo quê hương. Quán ăn Việt Nam, món ăn Việt Nam hiện diện khắp nơi có người Việt từ Châu Mỹ, Châu Âu. Và nếu như Châu Bắc Cực có người Việt cư trú, chắc chắn cũng sẽ có những món ăn Việt Nam tỏa hương ấm áp, mời gọi giữa một vùng mênh mông băng giá quanh năm. Trong những món ăn ấy – tôi vẫn thấy ngọn lửa bếp bập bùng, và bóng mẹ tảo tần trong bếp đang nấu ăn cho những đứa con xa. Bạn có thấy như vậy không?
TRẦN NGỌC TUẤN (Praha)