Trong thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xung đột quân sự Nga – Ukraina chưa có hồi kết, thậm chí ngày càng gia tăng, xung đột quân sự mới đây là Israel – Hamas: đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống:…. diễn ra với tần suất cao hơn, tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào tình trạng suy thoái.
Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,… kinh tế – xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Năm 2023 và những năm tiếp theo, cùng với cả thế giới, kinh tế Việt Nam phải đối đầu với những biến động khó lường, dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam; việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19, sự tăng vọt của giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào… Song, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam vẫn có thể tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan là điểm sáng của thế giới và khu vực. Theo đó những thành tựu kinh tế ấn tượng của Việt Nam là:
Việt Nam tích cực chủ động hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế và khu vực
Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động kết nối với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… tham gia sâu vào các thể chế quốc tế lớn, như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, tiếp tục đàm phán 3 FTA là Việt Nam-EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN-Canada và Việt Nam-UAE.
Từ đó, giúp cho việc tăng cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này đã có tác động và tạo điều kiện rất lớn đối với các hoạt động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các ngành kinh tế trong cả nước; tạo thuận lợi về giao lưu kinh tế và hội nhập quốc tế, là những nơi có thế mạnh trong quá trình hội nhập, khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thuận lợi trong xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, cũng chịu sức ép cạnh tranh trực tiếp và gay gắt không chỉ từ các quốc gia phát triển mà còn cả với các quốc gia tương đồng. Hội nhập kinh tế giúp cho từng địa phương và từng bộ, ngành phát huy được những thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng nơi để có sự sắp xếp và phân công lao động hợp lý nhằm phát triển bền vững.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là một trong những điều kiện căn bản để Việt Nam có nhiều cơ hội, tăng thêm nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế – xã hội. Hàng năm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhiều chương trình hợp tác quốc tế đem lại lợi ích to lớn cho các bên liên quan. Đây là những nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam cho ngày nay và mai sau.
Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và uy tín quốc gia, doanh nghiệp trong nước hoạt động giao thương quốc tế hiệu quả. Mặc dù trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục, vượt xa kỳ vọng ban đầu đặt ra.
Quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng và các khu vực kinh tế trên đà tăng trưởng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau đại dịch Covid, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát: GDP tăng ở mức ấn tượng. Nhìn chung đã đạt được những mục tiêu lớn cơ bản, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,16%, thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái cơ bản ổn định mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động lớn, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Các khu vực kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng khả quan. Đáng chú ý là khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ cao nhất đóng góp tăng trưởng chung. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Tiếp theo là Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản phẩm tôm tăng khá đã đưa tốc độ tăng của khu vực này và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng mạnh, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả hoạt động của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Khu vực thương mại, dịch vụ, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt ở mức cao kỷ lục với kim ngạch khu vực thương mại, dịch vụ khôi phục và phát triển mạnh. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Vốn đầu tư, mặc dù tình hình quốc tế có nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình đầu tư của Việt Nam, song mức vốn đầu tư toàn xã hội cũng như các thành phần chủ yếu của vốn đầu tư vẫn có sự tăng lên hợp lý, thu hút FDI phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy, các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Dẫn dụ năm 2023, ước tính vốn đầu tư của toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.423.5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước. Chính sách thu hút vốn FDI luôn có sự bổ sung, chỉnh sửa hợp lý, đã thu hút được nguồn νốn này ở mức khá, với chất lượng ngày càng tăng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với triển vọng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn là khả quan cùng với sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều FTA được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI trong quá trình định hình lại đầu tư và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện các giải pháp hữu hiệu về thu hút nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh đầu tư công gần với trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, các địa phương trong việc giải ngân và lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong đầu tư. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển.
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan, hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra: chất lượng tăng trưởng được nâng lên, kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, huy động vốn đầu tư phát triển tăng, đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế của việc tăng trường trong khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp, xây dựng trong những năm qua là một trong những nhân tố quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, công tác quản lý nợ công, nợ xấu có nhiều tiến bộ, quy mô, tiềm lực cạnh tranh của nền kinh tế được năng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng ở những năm tiếp theo. Bên cạnh đó tập trung phát triển mở rộng một số lĩnh vực, ngành nghề đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như: lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh, khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung xây dựng, hoàn thiện 03 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 02 bậc so với năm 2022. Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới. Và đồng thời năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ,phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
“Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2000 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực nhằm tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển
Sự quyết tâm của Quốc hội trong việc đưa ra Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 với mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong nhiều lĩnh vực, như đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, y tế… được ban hành, cùng với chính sách tài khóa về giãn hoãn, giảm một số loại thuế, phí và nghị quyết về thúc đẩy đầu tư công… Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn cho hệ thống doanh nghiệp, cùng với các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp hơn cho vay lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản…
Với phong cách chỉ đạo quyết liệt, chỉ có bàn tiến, không bàn lùi của Chính phủ và Thủ tướng chắc chắn sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Chính phủ quyết liệt xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, phát triển các loại thị trường đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, việc ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản khởi sắc tích cực hơn. Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Tập trung cơ cấu lại, nâng cao, cải thiện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đấy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đã ban hành Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông
Việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc. Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km. Đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, xử lý dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu nhằm góp phần tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển. Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, có cơ chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững…”
Với những kết quả đạt được trong những năm qua cho thấy, tiềm lực kinh tế – xã hội của Việt Nam vẫn còn khá lớn, xếp thứ 35/40 nước trong nhóm nước G40, chúng ta cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo vẫn là điểm sáng của thế giới và khu vực.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo chất lượng, tiến độ sẽ góp phần tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển.
TH.S ĐINH PHƯƠNG HÀ