Chỉ còn ít ngày nữa là năm Nhâm Dần 2022 sẽ chính thức khép lại, mở ra năm Quý Mão 2023 với nhiều hy vọng. Trước thềm năm mới, hãy cùng tìm hiểu một số điều thú vị về con vật “hộ trì” năm 2023.
Mèo trong văn hóa các quốc gia
Ở Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, mèo nhà chỉ mới được nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức vào cuối thời đại Hùng Vương – Thục Phán. Mèo có mặt trong những ngôi nhà người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết của nhiều gia đình. Ngoài ra mèo còn xuất hiện nhiều trong các dòng tranh dân gian Đông Hồ như đám cưới chuột, em bé ôm mèo, … với nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.
Mèo là loài vật rất được yêu thích ở Nhật Bản. Tại đây mèo được xem là một con vật linh thiêng, mang lại may mắn cho người dân tại xứ sở hoa anh đào. Chắc hẳn chú mèo máy Doremon hay cô mèo Kitty không còn xa lạ với nhiều người. Bên cạnh đó, khi nhắc đến mèo thần tài may mắn chắc hẳn ai cũng đều nghĩ ngay đến những chú mèo vẫy tay Maneki Neko. Đây là chú mèo đại diện cho sự may mắn, mang đến tài lộc trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Nhật.

Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo, trong đó có thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Bastet là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ. Người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người,
Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống.
Tuy nhiên ở châu Âu, mèo thường không đem lại những liên tưởng tích cực. Hình ảnh con mèo đen bên cạnh một bà phù thủy già với chiếc mũi khoằm nhọn hoắt thường xuất hiện nhiều trong các câu chuyện ma quái, được nhiều người tin rằng đó là hiện thân cho một thế lực đẩy bí ẩn, chuyên gây ra những chuyện không tốt cho con người. Vào năm 1233 sau công nguyên, Đức giáo hoàng Gregory thế kỷ thứ IX đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên quan tài của mèo đen, khi ông tuyên bố mèo đen là hóa thân của ma quỷ. Với tuyên bố này, người theo đạo Kitô đã truy tìm những con mèo đen và thiêu sống chúng tại các lễ hội nhằm trừng phạt cho sự hiện thân ma quỷ của chúng. Thậm chí vào thế kỷ 14, loài mèo gần như bị tuyệt chủng tại một số vùng của châu Âu. Thế nhưng không phải nơi nào ở châu Âu cũng cho rằng mèo là hiện thân của những điều xui rủi, mà ngược lại, nó còn là biểu tượng cho sự may mắn chẳng hạn như Scotland, Vương quốc Anh,…
12 con giáp – mèo hay thỏ?

Hiện nay, 12 con giáp được sử dụng ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. 12 con giáp ở Trung Quốc và Việt Nam đều gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mười hai con vật biểu tượng cho mười hai Địa chỉ vốn là tên của các chòm sao trên trời. Địa chi vốn là hiện tượng thiên văn cùng với thời gian, nó được trừu tượng và khái quát hóa thành một hệ thống đếm, sử dụng trong thiên văn, lịch pháp và nhiều lĩnh vực khác.
Trong quá trình giao lưu văn hoá với Trung Quốc, Việt Nam đã thay hình ảnh con thỏ bằng con mèo. Do loài mèo đã gắn bó với người Việt từ lâu, là con vật rất thân thuộc và gần gũi. Ngoài ra việc thay thỏ bằng mèo còn liên quan đến môi trường sống. Ở nước ta với điều kiện môi trường thảo mộc, loài thỏ khó phát triển sinh sống tốt như ở môi trường thảo nguyên.
Cách phát âm và sự đa dạng về nghĩa đã tạo nên sự thú vị đối với 12 con giáp của Việt Nam đối với các quốc gia khác nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Trong tiếng Trung Quốc, âm tiếng Hán của con thỏ (mão) và mèo (mao) đều mang âm mao và trong Việt Nam tự điển, chữ Mão – nghĩa là con thỏ – lại được dùng để chỉ con mèo. Mặc dù Việt Nam đã tiếp thu 12 con giáp của Trung Quốc, nhưng không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường của nước ta.
Theo mô hình Thập nhị chỉ, thì sau 12 năm các con vật sẽ được lặp lại một lần. Như thế năm mão gần đây nhất là năm Tân Mão 2011 và không bao lâu nữa chúng ta sẽ đón chào năm Quý Mão 2023.
Mỗi năm, đặc biệt là dịp tết người ta lại quan tâm đến linh vật của năm mới. Và đường hoa chính là nơi mọi người có thể ngắm nhìn linh vật của năm với nhiều thiết kế đa dạng. Trong đó đường hoa Nguyễn Huệ ở TP. HCM là địa điểm thu hút người dân địa phương cũng như du khách phương xa đến thăm mỗi khi tết đến xuân về.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2011 có chủ đề “Tầm cao mới”, thể hiện những phấn đấu nỗ lực của thành phố để đạt được thành quả cao hơn về kinh tế, chính trị, xã hội. Và đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 – Tết Quý Mão 2023 với chủ đề “TPHCM – Xuân an vui, xuân thịnh vượng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân với mong muốn có thể ngắm nhìn linh vật mèo sau 12 năm.
Dù cho có phải là linh vật hay không thì mèo vẫn là vật nuôi thân thiết ở nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong không khí hân hoan chào đón năm mới Quý Mão 2023, hy vọng rằng mọi người sẽ có một năm thắng lợi và gặp nhiều may mắn trong năm được “hộ trì” bởi người bạn bốn chân này.
MẠC TƯƠNG VI (St)