Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Chính phủ Cộng hòa Séc ban hành Quyết nghị về việc công nhận cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc là dân tộc thiểu số (DTTS) thứ 14. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đánh dấu mốc son trong đời sống xã hội, tạo cho cộng đồng người Việt Nam có cuộc sống ổn định; lao động, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi. Và đồng thời là minh chứng về bước phát triển và năng lực hội nhập chủ động tích cực, sâu rộng của cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc.
Trước năm 2013, ở Cộng hòa Séc có 12 dân tộc thiểu số ( DTTS ) được chính thức công nhận là Bulgaria, Croatia, Hungary, Đức, Ba Lan, Romania, Ruthenia, Nga, Hy Lạp, Slovakia, Serbia và Ukraine. Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Chính phủ Cộng hòa Séc ban hành Quyết nghị về việc công nhận hai cộng đồng người Việt Nam và cộng đồng Belarus ở Cộng hòa Séc là DTTS, nâng tổng số là 14 DTTS. Theo luật của Cộng hòa Séc, dân tộc thiểu số được hình thành trên cơ sở những người có quốc tịch Séc hay dân tộc khác đang sống ở Séc, khác với các dân tộc khác về nguồn gốc sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và đại diện cho một thiểu số đông đảo. Luật cũng đề cập và quy định việc dân tộc đề nghị công nhận cần có một lịch sử hình thành và quá trình phát triển nhất định.

Chính phủ Cộng hòa Séc công nhận cộng đồng người Việt Nam là DTTS thứ 14 khẳng định vị thế và địa vị pháp lý mới trong xã hội sở tại. Theo quy định pháp luật của Cộng hòa Séc về dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt Nam được hưởng quyền lợi lớn nhất và có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc là quyền bình đẳng với các công đồng DTTS khác ở Cộng hòa Séc. Bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và đối xử giữa các DTTS với nhau. Tiếp đó là quyền được cử đại diện của mình vào Hội đồng DTTS ở cấp địa phương và cấp Trung ương để bàn bạc những công việc liên quan dân tộc thiểu số nói chung và tư vấn cho chính quyền địa phương cũng như cho Chính phủ Séc về các vấn đề liên quan đến dân tộc mình như: được giữ nguyên họ và tên đầy đủ theo tiếng mẹ đẻ; có quyền học tiếng mẹ đẻ trong các trường học, sử dụng Tiếng Việt tại các công sở cũng như ở tòa án; có quyền được ký kết các văn bản, văn kiện của chính quyền địa phương bằng ngôn ngữ của mình; quyền được công bố thông tin về các cuộc bầu cử bằng ngôn ngữ của mình; có quyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Và đồng thời sẽ có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để phát triển hơn nữa về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình… Nhờ đó ở những địa phương có nhiều người Việt Nam sinh sống, công tác, lao động và nhất là trẻ em có thể được học kiến thức giáo dục bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc đảm bảo cho người Việt Nam được hưởng một số quyền khác. Theo đó, là cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc được quyền và có thể thành lập, xây dựng chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt nhằm tuyên truyền, quảng bá đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc.

Hướng tới Kỷ niệm 10 năm chính thức được công nhận là DTTS, cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc đang đẩy mạnh nhiều hoạt động phong phú bằng những phong trào và việc làm thiết thực, chào mừng Kỷ niệm sự kiện trọng đại trên. Cụ thể là:
Một là: Đẩy mạnh hội nhập vào xã hội sở tại sâu rộng trên các mặt đời sống xã hội. Gia tăng hoạt động tương tác, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, hiệu quả, nhằm góp phần không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của cộng người Việt. Hội nhập là quá trình liên kết, gắn kết giữa các chủ thể quốc tế với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của mỗi chủ thể, nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm, bao gồm mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hội nhập là một đòi hỏi khách quan của cuộc sống và đồng thời là một động lực thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của cộng đồng người Việt. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc yêu cầu trên, cộng đồng người Việt ở Séc hội nhập chủ động, tích cực và rất thành công trên cả hai phương diện bề rộng và chiều sâu trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Được hưởng các quyền của một dân tộc thiểu số và luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành cụ thể, sâu sát của Chính phủ và một số cơ quan bộ, ngành ở Trung ương tạo ra những cơ hội và động lực mới giúp cho cộng đồng người Việt triển khai một số dự án về lĩnh vực văn hóa, giáo dục kịp thời, thuận lợi, hiệu quả. Điển hình là những Dự án từ điển Séc -Việt: Dự án tài trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Thông qua việc thực hiện các Dự án đã, đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tổ chức những hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Chương trình vui Tết Trung thu do các tổ chức Hội. Đoàn người Việt Nam các cấp tổ chức ở nhiều địa phương. Trên sân khấu, tiếng trống cùng điệu múa lân rộn ràng không chỉ cuốn hút các em nhỏ, mà còn chinh phục những vị khách mời bản địa. Tết Trung thu Việt Nam trong con mắt người bản địa là một dịp sinh hoạt văn hóa dây thú vị và giàu tính nhân văn sâu sắc, động viên, khích lệ con em cộng đồng trở thành con ngoan, trò giỏi, thường xuyên rèn đức, luyện tài để hội nhập sâu vào xã hội sở tại. Tết Nguyên đán và Lễ Vu Lan được thường niên tổ chức ở nhiều nơi tập trung đông cộng đồng người Việt, nhất là Trung tâm Thương mại Sapa thủ đô Praha.

Việc duy trì tổ chức Tết Nguyên đán không chỉ là nghi Lễ truyền thống, tâm linh giúp bà con gặp gỡ, giao lưu, quan tâm giúp đỡ, chúc phúc cho nhau mà còn giáo dục thế hệ trẻ thấu hiểu ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc với nhiều nét văn hóa đặc sắc, cũng là dịp để gia đình sum họp, yêu thương và hướng về quê hương, trân trọng nguồn cội. Hay việc duy trì nề nếp Lễ Vu lan báo hiếu để cho quý phật tử và bà con cộng đồng người Việt cầu nguyện cho ông, bà, cha, mẹ: cầu nguyện cho đất nước Việt Nam Quốc thái, dân an, hòa bình thịnh vượng và cộng đồng quốc tế được hòa bình, hợp tác, phát triển.
Những hoạt động văn hóa truyền thống trên không những truyền bá văn hóa của người Việt chúng ta cho thế hệ thứ 2 và thứ 3, mà còn mang những nét văn hóa đặc sắc Việt đến bạn bè quốc tế. Trong gần 10 năm qua, cộng đồng người Việt không những tích cực tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống, mà còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa người bản địa với người Việt, hay các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các sắc tộc thiểu số khác để giới thiệu văn hóa đặc sắc của mình, gia tăng sự hiểu biết và quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Việc cộng đồng người Việt tổ chức thành công các Ngày hội văn hóa và tích cực tham gia các Lễ hội các dân tộc thiểu Séc làm minh chứng cho việc hội nhập của cộng đồng người Việt là đúng hướng, thành công và ngày càng hội nhập sâu, rộng, bền vững vào xã hội Séc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Cộng hòa Séc.
Ngoài ra, các cấp chính quyền Séc dành cho bà con cộng đồng người Việt sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về việc cư trú, kinh doanh, học tập và cuộc sống hàng ngày. Chương trình học tiếng Việt được ưu tiên, coi trọng. Ngày càng nhiều lớp dạy tiếng Việt được mở trên khắp đất nước Séc, tạo điều kiện cho con em người Việt học tập ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Qua điều tra xã hội học của các cơ quan chức năng sở tại cho biết, đa phần người Việt có cuộc sống ổn định, học tập và làm ăn thành công. Nhiều người Việt là những ông chủ của nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra hàng hóa cung ứng cho xã hội và cũng khá nhiều ông chủ của những cửa hàng, các Trung tâm thương mại, như Trung tâm Thương mại Sa Pa, Thủ đô Praha. Cộng đồng người Việt ở Séc thực sự có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội sở tại, nhất là góp phần phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bán hàng hóa tiện ích cho nhân dân ở khắp các vùng miền của sở tại.

Hai là: Tiếp tục xây dựng hình ảnh người Việt, cộng đồng người Việt đẹp, thân thiện trong xã hội sở tại. Hội người Việt Nam nói chung và các Hội, Đoàn khác nói riêng ở Séc phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, năng động và sáng tạo chung tay, cùng nhau thực hiện nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có ý nghĩa giáo dục và sức lan tỏa cao. Thông qua các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động bà con cộng đồng người Việt làm những việc chân, thiện, mỹ và nói không với ma túy, cần sa, cam kết không buôn bán các hàng quốc cấm khác, không buôn gian, bán lậu, không vi phạm pháp luật. Cần đẩy mạnh phong trào phòng, chống tội phạm trong cộng đồng; phong trào xây dựng văn hóa thương mại, dịch vụ, coi khách hàng là thượng đế, là đối tượng được chăm sóc, phục vụ. Chủ động, tích cực, tự giác thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm sở tại, nhất là nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các phong trào, các cuộc vận động do chính quyền sở tại phát động nhằm xây dựng hình ảnh con người Việt và cộng động người Việt thân thiện, yêu thương, thủy chung, hữu nghị trong con mắt người dân sở tại và các DTTS khác.
Ba là: Phát huy truyền thống đoàn kết, tiềm năng, thế mạnh xây dựng cộng đồng người Việt phát triển vững mạnh toàn diện. Cộng đồng người Việt ở Séc là một trong những công đồng người Việt lớn ở Châu Âu, với khoảng 70 ngàn người, dân số đông thứ 3 tại Séc. Cộng đồng người Việt ở Séc được các chính giới, học giả sở tại đánh giá là một cộng đồng mạnh, có truyền thống đoàn kết nội bộ, bản lĩnh, trí tuệ, thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, hiếu học và giàu năng lực vượt qua chính mình. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về một cộng đồng phát triển vững mạnh, cần phải tăng cường củng cố xây dựng các tổ chức, đoàn thể, hội, đoàn) phát triển đúng hướng, đúng pháp luật. Đảm bảo đoàn kết nội bộ, các tổ chức trong cộng đồng quan hệ dọc, ngang thông suốt, phối hợp chặt chẽ, bà con thương yêu, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; Luôn hướng về và có tình yêu quê hương, đất nước bằng những việc làm hiệu quả. Quan tâm, coi trọng công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cốt trong các tổ chức, đoàn thể ở các cấp trong cộng đồng cán có đức, có tài, nhiệt tình, trách nhiệm và có điều kiện tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo cộng đồng người Việt ở Séc không ngừng phát triển.
Từ khi được công nhận là DTTS đến nay là một chặng đương khá dài để cộng đồng người Việt ở Séc tiếp tục xây dựng và phát triển lên một tầm cao mới. Chúng ta tin tưởng rằng, phát huy truyền thống và những quyền được thụ hưởng, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân sở tại, công đồng người Việt ở Séc sẽ đoàn kết nội bộ, đồng tâm hiệp lực, nỗ lực phấn đấu để thực sự trở thành một cộng đồng mạnh, có vị thế xứng đáng trong công đồng các DTTS ở Cộng hòa Séc.
ĐỊNH VĂN HIẾN – Nguyên Chánh văn phòng ĐSQ Việt Nam tại CH Séc