Những năm gần đây, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được quan tâm khai thác, duy trì và phát triển, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn chưa phải là đã hết.
Với 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể bao gồm: Nhã Nhạc Cung đình Triều Nguyễn: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: Dân ca Quan họ Bắc Ninh: Hát Ca Trù, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc, Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Nghệ thuật Xèo Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp.
Cả Dân tộc Việt Nam ta tự hào và tin tưởng rằng: các giá trị Văn hóa truyền thống phong phú của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, có thể tạo nên sức mạnh to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Giá trị văn hóa là cái có ý nghĩa được cộng đồng công nhận, duy trì, bảo vệ và phát triển. Nó có vị thế đặc biệt trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người, giúp con người nhận thức, đánh giá, định hướng và điều chỉnh hoạt động của mình.
Mỗi dân tộc đều trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển khác nhau. Trong quá trình đó, họ sáng tạo ra nền văn hóa mang giá trị riêng của mình. Các giá trị ấy được lưu truyền các thời kỳ lịch sử và trở thành các Giá trị văn hóa truyền thống.
Các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được hun đúc, giữ gìn và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Chúng như một loại vũ khí sắc bén, tạo ra sức mạnh võ cùng to lớn, góp phần tích cực vào lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua bao thử thách, các giá trị ấy đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt Nam, khẳng định sức sống mãnh liệt, sức mạnh phi thường, có khả năng đánh bại mọi kẻ thù!
Giá trị đó chính là Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, hiếu học, cần cù, lạc quan, yêu đời.
Thực tiễn cho thấy, các giá trị ấy không chỉ có vai trò to lớn đối với sự tồn vong của mỗi cá nhân và cộng đồng trong quá khứ, mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh to lớn trong công cuộc phát triển đất nước giàu mạnh, làm giảm bớt, hạn chế và loại trừ không ít những tiêu cực trong hiện tại và tương lai.
Việt Nam luôn coi trọng việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống. Trong những năm gần đây, ở rất nhiều vùng quê Việt Nam, nhiều Lễ hội truyền thống có ý nghĩa đã phục hồi, nhiều làn điệu dân ca được duy trì và truyền dạy… Cộng đồng người Việt ở CH Séc và nhiều nơi trên thế giới vẫn duy trì Tết Nguyên Đán cổ truyền, Tết Trung Thu, Lễ Vu Lan báo hiếu…, duy trì và mở rộng việc dạy Tiếng Việt… qua đó lưu truyền quảng bá các giá trị các truyền thống ngàn đời tốt đẹp của người Việt Nam cho các thế hệ người Việt và người nước sở tại.
Để làm tốt việc bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, chúng ta cần thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với từng loại đối tượng, giúp họ nhận thức đúng những giá trị tích cực, những gì cần bảo tồn, những gì cần loại bỏ. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các học đường, các chương trình văn hóa, văn nghệ, cần lồng ghép các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó cần xây dựng các website đảm bảo an ninh, an toàn, chuẩn mực, tin cậy về văn hóa dân tộc, trong đó chủ ý giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa truyền thống. Đây là hình thức tuyên truyền, quảng bá mới, hiện đại, sức lan tỏa nhanh, không gian rộng và hiệu quả cao.
Điều quan trọng là Đảng và Nhà nước Việt Nam cần có chính sách giáo dục mang tầm vĩ mô nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội về bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Cùng với đó, cần mở rộng và tăng cường hợp tác, gian lưu quốc tế về văn hóa. Các Tuần văn hóa Việt Nam” hay “Tháng văn hóa Việt Nam, nhất là các Chương trình Liên hoan nghệ thuật hay “Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế” được tổ chức ở trong nước và nước ngoài với các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, sẽ tạo điều kiện để bạn bè quốc tế dễ tiếp cận với giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Giới thiệu hay nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam cũng là một hình thức đi ngược dòng lịch sử đề về cội nguồn, về những nét đẹp văn hóa truyền thống, những tinh hoa văn hóa dân tộc: truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, giá trị nhân văn Việt Nam.
Mỗi một dân tộc có nền văn hóa mang tính đặc thù của riêng mình. Đây là cơ sở quan trọng để xác định, phân biệt sự khác nhau giữa các dân tộc trong một quốc gia và trong cộng đồng quốc tế. Khai thác và quảng bá tốt những khác biệt đó trong các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ không chỉ bảo tồn mà còn phát huy và quảng bá rộng rãi các giá trị Việt Nam không chỉ cho các thế hệ người Việt mà còn cho cả cộng đồng Quốc tế, làm tăng thêm hình ảnh và giá trị Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tạo nên sức mạnh cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai.
HẠ NGỌC HUYỀN