Ngày cuối năm se sắt, trên chuyến tàu ngược ra Bắc, tôi lại có dịp trải nghiệm đêm ngày, ngắm dọc dài đất nước qua khung cửa của Tàu SE4. Như nhiều hành trình tôi đã đi qua, đọng lại sau những ngẫm suy, cuối cùng vẫn là ký ức thật đẹp.
Chú Vũ Tiến Lùng (quê Hải Dương) cho biết, hơn 18 năm nay, phương tiện đi xa nhất của vợ chồng chú là tàu hỏa. “Chú là thương binh, có nhiều thời gian và bến ga lại gần nhà, nên chú chỉ thích đi tàu. Mấy ngày ở trên tàu, căn buồng này cũng như nhà mình vậy, nhân viên trên tàu gần gũi và quan tâm, nên chú cảm thấy khá thỏa mái”, chú Lùng chia sẻ thêm.
Là sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường (Hà Nội), Trần Anh Tuấn và các bạn đã có kỷ niệm khó quên. Tuổi trẻ luôn muốn khám phá những điều mới mẻ, Tuấn cho biết, em và các bạn khá thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm chuyến đi từ Sài Gòn về Hà Nội bằng tàu. “Được ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài từ Nam ra Bắc, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhất là người nước ngoài, thật vui. Đồ ăn trên tàu bọn em cũng thứ đủ các món và các ngày, nhìn chung là ngon nhưng giá hơi cao so với “cơm sinh viên”. Ngoại trừ độ rung lắc khiến đôi lúc không thỏa mái, còn nói chung “là duyệt”, Tuấn Anh chia sẻ.
Trên tàu SE4 của Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam (Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn), chúng tôi cũng gặp khá nhiều khách tây “mắt xanh mũi lỗ. Họ tỏ ra vui vẻ và thỏa mái mỗi khi gặp nhân viên tàu và khách đồng hành.
Đó là thông báo quen thuộc mỗi khi tàu chuẩn bị đến một ga nào đó. Người phụ trách đọc, phát thông tin này là anh Ninh Xuân Thủy, một trong những người có thâm niên lâu năm trong ngành.
“MC Thủy” còn một nhiệm vụ khá quan trọng là xử lý những tình huống cấp bách trên tàu liên quan đến sức khỏe của khách.
Hơn 23 năm “ăn, ở, đi lại” và làm việc trên tàu, anh Thủy gần như “bỏ túi” kinh nghiệm “nhìn người”, nhất là với những phụ nữ sắp đến ngày sinh nở. Vì thế anh và đồng nghiệp đã giúp nhiều phụ nữ xuống ga gần nhất để “vượt cạn” an toàn mà không phải sinh con trên tàu.
Trên mỗi chuyến tàu là mỗi câu chuyện và mỗi kỳ niệm khác nhau. Anh Thủy cho biết, việc hành khách quên đồ, thậm chí là hiện vật có giá trị không phải là hiếm. Có lần nhân viên trên tàu nhặt được đó để quên của một du khách nước ngoài. Tìm họ thế nào bây giờ? May mắn, tên của khách được tìm thấy trên facebook. Sau khi trao đổi, xác nhận chính xác tên tuổi, khách được hẹn gặp ở một địa điểm thuận tiện để trả lại. Khách vui và xúc động, tất nhiên anh em nhà tàu cũng hạnh phúc vô bờ.
Hành khách trên tàu cũng như một xã hội thu nhỏ, vì vậy việc ứng xử với từng người, việc giữ gìn hình ảnh của người tiếp viên đã rất được coi trọng. Theo Trường tàu Nguyễn Kim Vượng, ngành đường sắt dù có thế mạnh riêng nhưng thực sự đang thua thiệt hơn vận tải hàng không về thời gian, giá vé lại cao hơn đường bộ nên những gì nội bộ có thể làm được, đó là thái độ và sự chuyên nghiệp của đoàn tiếp viên đường sắt. Anh luôn nhắc nhở anh em phải tận tâm hết mức để hình ảnh đẹp của nhân viên tàu được lưu lại khi chia tay hành khách. Ngoài là người chịu trách nhiệm cao nhất cho sự an toàn, sự hài lòng của mỗi hành khách, trưởng tàu cũng là người gắn kết hơn 20 thành viên trên tàu. Một gia đình nhà tàu thực thụ đã được gây dựng từ nhiều thế hệ, trong đó có vai trò của người trưởng tàu.
Những người gắn bó với ngành vận tải đường sắt như phát thanh viên Ninh Xuân Thủy, phụ trách bếp Phạm Thái Trung, tiếp viên Lê Thị Bích Tuyền, Phó trưởng tàu Hữu Quỳnh, Trưởng tàu Nguyễn Kim Vượng… dù vất vả bởi những đêm không tròn giấc, dù còn những khó khăn khi bỏ lại mong muốn cá nhân nhưng ở họ, tình yêu với nghề chưa khi nào nguội lạnh.
ĐINH HOA