Mỗi nền dân tộc có nền văn hóa riêng của mình. Đây là cơ sở quan trọng để xác định, phân biệt sự khác nhau giữa các dân tộc trong một quốc gia và trong cộng đồng quốc tế. Văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nền văn hóa đó là sản phẩm sự sáng tạo, quy tụ tinh túy với đời sống trường tồn, bền vững và khả năng kế thừa phát triển theo thời gian của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Giá trị văn hóa là cái có ý nghĩa được cá nhân và cộng đồng công nhận, duy trì, bảo vệ và phát triển. Giá trị văn hóa là sản phẩm của các thành viên cộng đồng dân tộc, nhưng nó lại gắn liền với một hệ thống chính trị nhất định. Giá trị văn hóa có chức năng rất quan trọng, giúp con người nhận thức, định hướng, đánh giá và điều chỉnh hoạt động của cá nhân và cộng đồng; có vị thế đặc biệt trong tư tưởng, đạo đức lối sống của con người.
Truyền thống là sự kế thừa di sản xã hội có giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi dân tộc đều có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau. Trải qua quá trình đó, các dân tộc sáng tạo ra nền văn hóa của mình, trong đó có các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hóa này được lưu truyền trong xã hội qua các thời kỳ lịch sử và trở thành các giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nó được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các giá trị văn hóa truyền thống đã khẳng định sức sống mãnh liệt của mình và chúng được sử dụng như một vũ khí sắc bén, tạo ra một sức mạnh vô cùng to lớn, đóng góp tích cực vào lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước. Các giá trị văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh phi thường, có khả năng “đề kháng” và đấu tranh mạnh mẽ chống lại mọi kẻ thù xâm lược qua các thời kỳ. Các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam không chỉ được bảo tồn, mà còn được phát triển phong phú hơn cùng với bề dày lịch sử. Và các giá trị đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, tự lực, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, hiếu học, cần cù, lạc quan. Thực tiễn cho thấy, các giá trị này không chỉ có vai trò to lớn đối với sự tồn vong mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ngày nay, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh cho công cuộc phát triển đất nước giàu mạnh và đồng thời làm giảm bớt, loại trừ và hạn chế không ít những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường.
Văn hóa truyền thống là một di sản quý báu mỗi dân tộc cần được trân trọng giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát triển. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Để bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Theo đó, là:
Một là công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân về bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung và giá trị văn hóa truyền thống nói riêng. Mục đích làm cho cán bộ, nhân dân nhận thức đúng những giá trị tích cực và tiêu cực; những gì cần bảo tồn, những gì cần loại bỏ. Hoạt động giáo dục, tuyên truyền cần được thực hiện linh hoạt, cơ động, sáng tạo, phù hợp với thực tế cuộc sống của từng loại đối tượng. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lồng ghép với các chương trình văn hóa, văn nghệ, lồng ghép với việc giáo dục học đường. Đáng chú ý là Đảng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách giáo dục mang tầm vĩ mô đối với các đối tượng khác nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động và sự đồng thuận trong toàn xã hội về bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Hai là xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của nhà nước nhằm tạo sự thống nhất trong toàn quốc về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo cho hoạt động văn hóa truyền thống an toàn, hiệu quả. Và đồng thời ban hành những cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn nhằm huy động, khuyến khích các nguồn lực xây dựng những chương trình, đầu tư những dự án khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống, kể cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Tổ chức và khuyến khích các hoạt động nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là di sản thế giới, như hát xẩm, hát văn, ví dặm, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, không gian cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh. Kết hợp, lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian với hoạt động lễ hội truyền thống ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Qua đó làm cho đồng báo yên tâm, phấn khởi, càng ý thức được giá trị văn hóa truyền thống, càng biết trân trọng, gìn giữ những giá trị ấy trong đời sống xã hội.
Ba là quan tâm, coi trọng một số công tác cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đáng chú ý là công tác nghiên cứu, công tác sưu tầm…
Công tác nghiên cứu cũng là một trong những hoạt động thiết thực cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tổ chức khoa học, bài bản, quản lý chặt chẽ công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa nhằm phân loại, tổng hợp và rút ra những quy luật phát triển của các loại hình văn hóa truyền thống, định ra hướng phát triển và bảo tồn cho mỗi loại hình văn hóa. Huy động các lực lượng cần thiết tiến hành công tác sưu tầm tài liệu khoa học và bảo quản hiện vật bảo tàng. Đây là một trong những hình thức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống khá hiệu quả. Cần xây dựng, chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các lực chuyên trách trong việc sưu tầm, thu thập các di sản văn hóa từ nhiều nguồn quản lý, sở hữu khác nhau. Gắn chặt hoạt động bảo tàng, di tích, thắng cảnh văn hóa với hoạt động du lịch và các loại hình hoạt động văn hóa dân tộc để tuyên truyền, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa nói chung.
Bốn là xây dựng các website về văn hóa dân tộc, trong đó chú ý giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa truyền thống. Đây chính là hình thức tuyên truyền, quảng bá mới, hiện đại, sức lan tỏa nhanh, không gian rộng và hiệu quả cao. Xây dựng các website đảm bảo an ninh, an toàn, chuẩn mực, tin cậy góp phần tích cực vào việc quảng bá giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Năm là tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Thông qua các chương trình hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, chúng ta tổ chức các hoạt động văn hóa theo hình thức “Tuần văn hóa Việt Nam” hay “Tháng văn hóa Việt Nam” trên đất nước đối tác. Đặc biệt cần ưu tiên tổ chức các Chương trình Liên hoan nghệ thuật, hay “Festival văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế” ở trong và ngoài nước. Lễ hội là nơi hội tụ những giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và là nơi kết nối tinh hoa văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Thông qua trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu các văn hóa, giúp cho bạn bè quốc tế dễ tiếp cận với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Giới thiệu hay nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam là giới thiệu về quá trình đi ngược dòng chảy lịch sử về cội nguồn, về những nét đẹp văn hóa truyền thống. Hoạt động trên nhằm mục đích giữ gìn và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, giá trị nhân văn. Trân trọng và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống Việt, chúng ta càng phải giữ gìn đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đề cao trách nhiệm hơn nữa cho việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TH.S Đinh Phương Thu Hà.