Những vấn đề về mục đích xin vào cộng đồng dân tộc thiểu số, năng lực hội nhập, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, khả năng đóng góp vào nền kinh tế sở tại… của cộng đồng người Việt tại CH Séc luôn được các cơ quan chức năng CH Séc ưu tiên, quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu và yêu cầu phía Việt Nam làm rõ. Chúng ta biết rằng, đây là những vấn đề đặt ra không đơn giản, dễ dàng, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm cần phải được hóa giải chính xác, kịp thời, có sức thuyết phục để tạo sự đồng thuận tương tác giữa hai bên.
Mặt khác, đó cũng là điều kiện tiên quyết cần xử lý minh bạch, rõ ràng để làm cơ sở chuyển sang các bước tiếp theo, trong đó có việc giải quyết các thủ tục pháp lý quan trọng trong lộ trình cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc được Chính phủ CH Séc công nhận là dân tộc thiểu số.
Để hóa giải thành công và giải đáp được các câu hỏi, yêu cầu từ phía các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của CH Séc, Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại CH Séc đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và Hội đồng dân tộc của Chính phủ Séc tổ chức 18 chuyến đi khảo sát thực tế đối với cộng đồng người Việt ở 10 tỉnh, thành của CH Séc.
Tại những nơi Đoàn đến làm việc với các hội, đoàn, bà con người Việt và đại diện chính quyền sở tại, như thành phố Praha, Brno, Ceske Budejovice, Mlada Beleslav, Plzen, Olomou,…
Ông Tổng thư ký Hội đồng DTTS, ông Cục trưởng Cục Di trú – Bộ Nội vụ và các thành viên đều được trực tiếp mắt thấy, tai nghe mong muốn, nguyện vọng và thành quả phấn đấu của cộng đồng người Việt.
Điều đáng trân trọng, khích lệ, ghi nhận và tri ân của chính quyền và nhân dân địa phương sở tại đối với cộng đồng người Việt ở đó là tinh thần đoàn kết nội bộ, quan hệ gắn kết chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương: thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, giàu năng lực hội nhập vào xã hội sở tại, tinh thần lao động cần cù, thông minh, năng động sáng tạo, và có năng lực vượt qua chính mình. Mặc dù cộng đồng người Việt Nam chưa được công nhận là dân tộc thiểu số, chưa được thụ hưởng các chính sách về dân tộc thiểu số, nhưng mỗi khi chính quyền địa phương và Trung ương yêu cầu đóng góp vật chất, tinh thần, hay tổ chức các phong trào quần chúng, các ngày hội giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, cộng đồng người Việt đều chủ động tham gia tích cực, vô tư, nhiệt tình, có trách nhiệm, như một cộng đồng chính thức. Những đóng góp không nhỏ đó đã góp phần thành công các hoạt động và sự kiện trên của nước sở tại.
Minh chứng về năng lực hội nhập của cộng đồng người Việt là sự thành công của con em người Việt trong rèn luyện, học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh… Theo đánh giá và công bố của Bộ Giáo dục và các cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp của CH Séc, học sinh, sinh viên là con em cộng đồng người Việt Nam rèn luyện tốt, học giỏi, chỉ số thông minh (IQ) rất cao, luôn đạt kết quả học tập xuất sắc, đứng tốp đầu trong hầu hết các trường.
Thêm một bằng chứng thực tế nữa là ngày một gia tăng người bản địa xin vào lao động, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do người Việt Nam làm ông chủ. Khi được hỏi, những người lao động là người dân bản địa đều có những ý kiến nhận xét, đánh giá tốt về môi trường, điều kiện lao động và chế độ nghỉ ngơi, tiền công và bảo hiểm xã hội, y tế. Họ mong muốn được làm việc, lao động ổn định, lâu dài ở đó để đảm bảo thu nhập cho cuộc sống.
Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, một thực tế cho thấy sự thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó và kỹ năng quản trị của người Việt cũng là một tiềm năng, thế mạnh. Theo đó là ở một số vị trí kinh doanh, dịch vụ của địa phương, người Séc làm ăn khó khăn, không thành công thì trái lại khi người Việt Nam được tiếp nhận làm ăn khá thành công. Đáng chú ý nhất là hệ thống kinh doanh bán lẻ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhiều người cao tuổi sở tại đánh giá cao, bày tỏ sự khâm phục về cách nghĩ, cách làm độc đáo, năng động và biết ơn những người Việt Nam đã mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, trong đó có người yếu thế. Cũng qua cơ quan chức năng sở tại cho biết, hàng năm cộng đồng người Việt đóng góp các khoản tiền khá lớn cho lĩnh vực tài chính, tiền tệ của CH Séc.
Qua các chuyến đi khảo sát thực tế trên, những vấn đề mà chính quyền sở tại quan tâm, cần làm rõ đã được chúng ta tổ chức giải đáp thuyết phục, hòa giải thành công. Điều đáng mừng, đáng quý là các thành viên của Đoàn là đại diện cho Bộ Nội vụ và Hội đồng Dân tộc thiểu số Chính phủ CH Séc đã đưa ra những đánh giá, nhận xét khách quan, công bằng, tích cực.
Đó là việc cộng đồng người Việt ở Séc mong muốn được công nhận dân tộc thiểu số không phải vì mục đích thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, làm gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế sở tại. Mục đích chân chính của họ là để được vào sân chơi, hưởng các quyền bình đồng như các dân tộc tộc thiểu số khác. Và đồng thời có điều kiện tốt để họ có cuộc sống thuận lợi, làm ăn ổn định, hội nhập sâu rộng về mọi mặt vào xã hội sở tại, đóng góp ngày càng nhiều vật chất, tinh thần cho CH Séc, nhất là sẽ góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa sở tại.
Hơn nữa sẽ có nhiều điều kiện tốt để làm cấu nối quan trọng cho ngoại giao nhân dân giữa hai dân tộc Việt Nam – CH Séc. Chính nhờ kết quả các chuyến đi khảo sát thực tế và những nội dung đánh giá, nhận xét đúng đắn, sát hợp và tích cực trên, Chính phủ CH Séc đã có cơ sở thực tiễn khách quan và pháp lý vững chắc để ban hành Quyết nghị số 330, ngày 08/7/2013 công nhận cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc là DTTS/
KHIỂN ĐINH – Nguyên thành viên Tổ công tác Đồ Việt Nam và Hội người Việt Nam tại CH Séc