Việc đề nghị Chính phủ CH Séc xem xét, công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt tại CH Séc là Dân tộc thiểu số (DTTS) không đơn giản. Tổ công tác đặc biệt giúp việc cho Đại sứ quán, Hội người Việt Nam và Hội người Séc gốc Việt nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn khi bắt tay vào thực hiện công việc có ý nghĩa rất quan trọng này.
Nhiều cuộc làm việc thực chất, hiệu quả với Hội đồng Chính phủ về các dân tộc thiểu số, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng của CH Séc đã diễn ra. Qua đó, hai bên trao đổi, đối thoại, bàn bạc, cung cấp, chia sẻ thông tin và thống nhất phương án giải quyết các vấn đề đặt ra. Đặc biệt là xây dựng, củng cố lòng tin, hiểu biết lẫn nhau tạo ra sự đồng thuận thúc đẩy tiến độ Đề án theo đúng kế hoạch đã định.
Lộ trình 6 bước
Để cộng đồng người Séc gốc Việt được công nhận là Dân tộc thiểu số, cần tập trung giải quyết hai nội dung chính mang tính nguyên tắc bắt buộc: (1) Tiến hành xử lý thủ tục hành chính, pháp lý; (2) Vận động cộng đồng người Séc gốc Việt đoàn kết phấn đấu và vận động nhân dân, chính quyền sở tại giúp đỡ, ủng hộ.
Và Lộ trình gồm Sáu bước được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, sát hợp thực tiễn:
– Bước một: Tổ chức điều tra, khảo sát nắm tình hình về nhu cầu, nguyện vọng của bà con cộng đồng; quan điểm các cơ quan chức năng sở tại và đánh giá tính khả thi của Đề án.
– Bước hai: Xây dựng Đề án, Chương trình, Kế hoạch và thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Đại sứ quán, Hội người Việt nam và Hội người Séc gốc Việt làm tốt công tác tham mưu đề xuất và tổ chức triển khai Đề án.
– Bước ba: Xúc tiến xử lý thủ tục hành chính, pháp lý, lập hồ sơ đề nghị Hội đồng DTTS Chính phủ CH Séc xem xét, ủng hộ, quyết định công nhận.
– Bước bốn: Tổ chức đàm phán, đối thoại, trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng, vận động hành lang chính trị gia, quan chức cấp cao trong Quốc hội, Chính phủ, học giả có uy tín, ảnh hưởng lớn trong xã hội, tổ chức, đoàn thể quan tâm, ủng hộ. Đồng thời tuyên truyền quảng bá về cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, nhất là truyền thống đoàn kết, hữu nghị, thông minh sáng tạo, cần cù, năng động và những thành công trong sản xuất, kinh doanh, học tập của người Việt để nhân dân sở tại và bạn bè quốc tế hiểu rõ, ủng hộ.
– Bước năm: Tiến hành điều tra, khảo sát thực tế và tổ chức các buổi làm việc của Ban thư ký Hội đồng DTTS, Bộ Nội vụ CH Séc với Chi hội. Đoàn thể cộng đồng người Việt Nam tại 10 tỉnh, thành và một số địa phương khác của CH Séc. Mục đích thu thập thông tin, nắm tình hình về thực trạng cộng đồng, trong đó quan tâm nhiều đến năng lực hội nhập, vấn đề an sinh xã hội của cộng đồng người Việt Nam nói chung và người Séc gốc Việt nói riêng.
– Bước sáu: Hoàn thiện hồ sơ pháp lý, phương án nhân sự về người Đại diện trong Hội đồng DTTS Chính phủ Séc và kế hoạch công bố, triển khai thực hiện Quyết nghị của Chính phủ CH Séc về việc công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là DTTS.
Mỗi bước cũng như xuyên suốt lộ trình đều đặt ra mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tiễn, đồng thời cần dự báo được những thuận lợi, khó khăn thách thức sẽ bộc lộ trong thực tiễn, có phương án hóa giải hiệu quả, kịp thời.
Những thuận lợi
– Thuận lợi đặc biệt là Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành các cấp, nhiều chính trị gia cấp cao, học giả và nhân dân sở tại quan tâm, ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả. Ban Thư ký Hội đồng và Bộ Nội vụ Séc phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại CH Séc giải quyết nhiều việc cụ thể theo quy định của pháp luật và theo sự chỉ đạo của cấp trên;
– Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, nhất là Đại sứ luôn quan tâm ủng hộ, giúp đỡ tận tình hiệu quả, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công việc này.
– Chủ trì tổ chức xúc tiến Dự án là Tiểu ban công tác đặc biệt gồm: Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, Hội người Việt Nam, Hội người Séc gốc Việt và Quan sát viên của Hội người Việt Nam tại Hội đồng DTTS của Chính phủ Séc là những cán bộ nhiệt huyết, trách nhiệm, có năng lực, năng động, chủ động sáng tạo và giàu kinh nghiệm thực tiễn công tác.
– Hội người Việt Nam nói chung và Hội người Séc gốc Việt nói riêng, có tinh thần đoàn kết, thống nhất và đồng thuận về nhận thức và hành động. Bà con luôn bày tỏ sự quyết tâm cao, chung sức, đồng lòng, ủng hộ và hưởng ứng tích cực Đề án; luôn phát huy tính tích cực, chủ động, bằng nhiều việc làm thiết thực của cả cộng đồng nhằm đẩy nhanh lộ trình phấn đấu trở thành DTTS đích thực. Bà con cộng đồng nhận thức rõ công việc này không của riêng ai và lợi ích thụ hưởng không chỉ dành riêng cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào. Hơn nữa, đây là công việc phức tạp, hệ trọng, liên quan nhiều đến các lĩnh vực của đời sống cộng đồng và xã hội sở tại. Do vậy, cần phải nhận thức đúng và phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự tham gia, đóng góp, ủng hộ và phần đấu của cả cộng đồng.
Đó là các yếu tố cơ bản đảm bảo cho lộ trình được thực hiện thắng lợi.
Những khó khăn, thách thức
Đây là một công việc mới mẻ. Tại CH Séc thời điểm đó, chưa có một cộng đồng người Séc gốc châu Á nào được nước sở tại công nhận là DTTS. Điều đó đặt ra yêu cầu Tổ công tác đặc biệt là phải vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực công tác, xử lý đúng đắn, hiệu quả những vấn đề đặt ra trong suốt lộ trình.
Hội người Việt Nam và cộng đồng người Séc gốc Việt thời điểm đó chưa có Tiểu ban công tác chuyên trách và chưa có quỹ tài chính dành cho hội nhập nói chung và cho lộ trình phấn đấu trở thành DTTS nói riêng.
Một bộ phận trong cộng đồng người Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, nhất là việc trồng cây cần sa, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người Việt trong cách nhìn và đánh giá của chính quyền và nhân dân sở tại.
Sự khác nhau về phong tục tập quán, văn hóa, rào cản ngôn ngữ đã, đang làm hạn chế sự hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa bà con cộng đồng với dân sở tại trong quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt.
Phía CH Séc quan ngại và cho rằng, cộng đồng người Séc gốc Việt phần đấu trở thành DTTS là xuất phát từ mục đích, yêu cầu vật chất và mong muốn được hưởng lợi từ các chính sách xã hội sở tại.
Việc quyết định để đảm bảo đúng luật, hài hòa về lợi ích, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan cho từng bên và tránh được những sức ép, phản ứng tiêu cực của báo chí, dư luận xã hội sở tại là một việc khó khăn không nhỏ cho Ban lãnh đạo đương nhiệm Chính phủ Séc.
Những hóa giải
Đại sứ quán Việt Nam tại Séc phối hợp với Hội người Việt Nam, Hội người Séc gốc Việt và Hội Séc – Việt tổ chức nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả nhằm làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động của bà con cộng đồng Việt, xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam nhằm nâng cao vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Đáng chú ý là nhiều hội thảo “Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc nói không với ma túy được tổ chức đã làm hạn chế các hành vi tiêu cực và cải thiện hình ảnh cộng đồng người Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và các cấp chính quyền CH Séc.
Hai bên phối hợp tốt trong việc đi nghiên cứu, khảo sát tại 10 địa phương, là những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, làm ăn để tìm hiểu về tình hình an sinh xã hội, phân tích, đánh giá khách quan về thực trạng năng lực hội nhập.
Quá trình làm việc với các cơ quan ban ngành có liên quan của phía Séc, phía Việt Nam luôn khẳng định mục đích nhất quán là được vào sân chơi chính thức, được đối xử và hưởng các quyền bình đẳng như các DTTS khác trên đất nước Séc.
Đã mười năm trôi qua, cộng đồng người Séc gốc Việt chính thức trở thành thành viên thứ 14 các DTTS của CH Séc, nhận thức rõ Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, cộng đồng người Séc gốc Việt và cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc tiếp tục đoàn kết nội bộ, phần đầu phát triển toàn diện và hoàn thiện mình về mọi mặt, trong đó chủ động hơn nữa hội nhập vào xã hội sở tại, phát huy vai trò cầu nối quan trọng cho ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và CH Séc không ngừng phát triển.
THÚY QUỲNH