Năm 2022, Hội Nhà Văn Séc có trao giải thưởng văn chương danh giá cho tập thể dịch giả, trong đó có Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung, nguyên là sinh viên Học viện Quân sự VAAZ Brno, Cộng hòa Séc (1978-1984). Xin được trân trọng giới thiệu cuộc đời của một sĩ quan học kỹ thuật rẽ sang con đường nghệ thuật.
Đoàn Hoài Trung được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mẹ anh đều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Cha anh là Đại tá quân đội quê ở Phú Yên, mẹ anh là cô gái xứ Huế nết na đi theo cách mạng từ năm 13 tuổi. Nhờ lớn lên trong chiếc nôi cách mạng và có những năm tháng tuổi thơ dữ dội trên đất Bắc, ( hồi đó thế hệ trẻ như anh đều phải sống xa cha mẹ đi sơ tán, hàng ngày đội mũ rơm đi học để tránh bom đạn của giặc Mỹ…). Vì thế, vừa đến tuổi trưởng thành anh đã thi vào đại học quân sự, được điểm cao, anh được cử đi học tại Học viện Quân sự Bờ ru- nô (Cộng hòa Séc). Sau khi tốt nghiệp bằng đỏ tuyệt đối với chuyên ngành Kỹ sư điện tử Hàng không ở nước ngoài, anh trở về công tác tại Tiểu đoàn Thông tin-Ra da của Sư đoàn Không quân 370 thuộc Quân chủng Phòng không- Không quân.

Những tưởng suốt đời đi theo con đường kỹ thuật như cha anh, Tiến sĩ Đoàn Văn Quảng, viện trưởng viện Khoa học hàng không đầu tiên của Việt Nam, nhưng từ năm 2002, anh bất ngờ rẽ sang con đường làm báo khi đang là Thiếu tá, Trợ lý Thông tin Sư đoàn 370 đầy tương lai. Giải thích về “bước ngoặt” này trong đời mình, anh vui vẻ cho biết: “Tôi chuyển sang nghề báo như một cơ duyên vậy. Lúc đó, báo Phòng không-Không quân mới thành lập nên thiếu phóng viên, thấy tôi có năng khiếu viết báo trong đơn vị nên cấp trên liền cử tôi sang làm báo. Không ngờ, sang lĩnh vực mới này, tôi cảm thấy rất yêu nghề, từ đó với kiến thức quân sự sẵn có, tôi lao vào viết báo với tất cả niềm đam mê cháy bỏng…. Là người lính tuyên truyền về người lính thì còn gì gần gũi, thuận tiện và sâu sắc cho bằng nên anh viết báo bằng chính nhịp đập của trái tim mình. Vì thế những bài viết của anh được đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng PKKQ đón đọc và khen ngợi.
Để phát huy sở trường của mình và phục vụ tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền về người lính trên các lĩnh vực và ở các quân chủng, binh chủng trong quân đội, từ năm 2005, anh chuyển sang làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Từ đây, bước chân anh tung hoành ngang dọc khắp các thao trường, biên cương, hải đảo… Chẳng thế mà đi đến đâu, hễ nhắc đến tên anh, các cán bộ chiến sĩ đều biết và trìu mến gọi anh là nhà báo của lính! Còn anh thì thừa nhận: “Niềm đam mê lớn nhất của tôi là khắc họa hình ảnh người lính trong từng bài báo, tấm ảnh và cả thơ văn, phim ảnh… Chính vì thế mà anh trở thành một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hóa tư tưởng.


Không chỉ tuyên truyền về người lính đương thời, anh còn là một cây viết biết chịu khó tìm tòi, thu thập tư liệu, tài liệu để viết về những tướng lĩnh tài ba, những Anh hùng lực lượng vũ trang lập nhiều chiến công vang dội như: Trung tướng Lê Nam Phong, Thượng tướng Phùng Thế Tài, anh hùng Nguyễn Văn Bẩy, Nguyễn Hồng Nhị, Lâm Văn Lích … nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho lớp trẻ. Nhiều bài viết của anh về các liệt sĩ đã là cơ sở để Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Liệt sĩ Hà Văn Nọa, liệt sĩ Vũ Quang Chương… Trong cuộc đời làm báo của mình, kỷ niệm mà anh nhớ nhất là lần gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhớ lại khoảnh khắc bên Đại tướng, anh không giấu nổi xúc động: “Tôi vinh dự được cùng Đại tướng trên chuyến bay lên thăm chiến trường xưa Điện Biên Phủ lừng danh, Đại tướng trò chuyện thân mật với tôi bằng tình cảm của người cha dành cho đứa con khiến tôi cứ ngỡ ông như cha ruột của mình…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ văn của Đoàn Hoài Trung với muôn vàn đề tài phong phú đầy chất lính đẹp đến tuyệt vời… Qua chuyến đi này, anh đã viết nhiều bài báo, cuốn sách và chụp cả trăm tấm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó nổi bật nhất là cho ra đời Ký sự “Điện Biên- Bản anh hùng ca vang mãi muôn đời” và cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tôi”. Anh cho biết: “Tôi say mê viết về Điện Biên là vì đây là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và như Bác Hồ nhận xét đó là “một mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam”. Hơn nữa, tại chiến trường Điện Biên, chính cha mẹ và người thân của tôi đã từng cầm súng chiến đấu nên tôi viết bằng cảm xúc dâng trào và niềm tri ân sâu sắc nhất…”
Đại tá Đoàn Hoài Trung còn là nhà văn quân đội với nhiều tác phẩm đi vào lòng người như: Thơ tình người lính, Tình yêu người lính, Bay trong chớp lửa, Trở về Điện Biên, hoa tuyết , Về nguồn… Nhiều tác phẩm thơ văn của anh được giải văn chương, làm lay động trái tim bạn đọc trong và ngoài Quân đội. Anh được kết nạp vào Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội nhà văn Việt Nam (2011).
Những năm tháng ở Cộng hòa Séc là những năm tháng đẹp đẽ sôi nổi của anh, anh luôn coi Séc là quê hương thứ 2 của anh. Nên trong sự nghiệp văn chương anh đã có 2 cuốn tiểu thuyết viết về thời gian anh ở Cộng hòa Séc. Đó là cuốn Hoa Tuyết và cuốn ngọt ngào vị đắng. Cả 2 cuốn đã đoạt giải khuyến khích Hội Hữu nghị Việt-Séc thành phố Hồ Chí Minh. Riêng cuốn tiểu thuyết ngọt ngào vị đắng được tặng thưởng của Nhà xuất bản thanh niên và tuần báo Văn nghệ. Cuốn sách cũng đã được dịch song ngữ và được giới thiệu tại Đại sứ quán Séc tại Hà Nội và với cộng đồng doanh nghiệp ở Praha, cộng hòa Séc. Anh cũng được kết nạp vào Hội nhà văn Séc năm 2016. Hiện nay anh là Phó chi hội trường nhà văn Séc tại Việt Nam.
Nói về tuyển tập thơ Việt Nam-Séc và Slovakia được giải thưởng Hội nhà văn Séc mới đây, Đại tá Đoàn Hoài Trung cho biết dây là công trình tập thể của các dịch giả: Dương Tất Từ, Phạm Quang Ngọc, Nguyễn Duy Thái, Nguyễn Kim Phụng. Nguyễn Thị Còn, Đoàn Hoài Trung. Ngô Khánh Vân, Hoàng Nam Long, Vũ Việt Dũng, Đỗ Ngọc Việt Dũng. Đặc biệt vai trò chủ biên nhà văn Karel Sýr và nhà văn Đỗ Ngọc Việt Dũng đã làm tác phẩm trở thành viên ngọc sáng trong bầu trời nghệ thuật.

Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, mỗi vị trí mới Đại tá Đoàn Hoài Trung đã để lại dấu ấn của sự đam mê, tinh thần cống hiến vì Nghệ thuật. Năm 2018 anh nghỉ hưu, nhưng rồi con đường nghệ thuật của anh vẫn chưa dừng lại, anh được bầu là Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025. Anh đã tiếp tục rong ruổi cùng các nghệ sẽ đi sáng tác ảnh đẹp quê hương đất nước và tham gia các cuộc thi quốc tế. Anh vinh dự được Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc Tế phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc tế AFIAP.
HOÀNG TUY
(Ảnh do Đoàn Hoài Trung cung cấp)