Có 40 doanh nghiệp hàng đầu của Cộng hòa Séc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm sang Việt Nam với mong muốn mở rộng hợp tác, tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội làm ăn thương mại giữa hai nước.
Diễn đàn doanh nghiệp sẽ mang lại những ý tưởng hợp tác mới, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hai bên tìm hiểu sâu hơn, góp phần phát triển các dự án và hoạt động kinh doanh chung giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Vừa qua, nhân chuyến công tác đến Việt Nam, ông Marek VYSBORNY, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp CH Séc, Đại sứ nước CH Séc Hynek KMONICEK tại Hà Nội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp Séc – Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Marek VYSBORNY phát biểu, lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng quan trọng đối với cả hai quốc gia trong tương lai. Do đó diễn đàn doanh nghiệp sẽ mang lại những ý tưởng hợp tác mới, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hai bên tìm hiểu sâu hơn, góp phần phát triển các dự án và hoạt động kinh doanh chung giữa hai nước.
Cộng hòa Séc nằm vị trí trung tâm châu Âu, do vị trí địa lý đặc thù nên Séc đã rất thành công trong việc kết hợp tư tưởng Đông – Tây, là đầu mối quan trọng kết nối các nước châu Âu. Đồng thời Séc là một quốc gia công nghiệp có bề dày lịch sử, trong đó chủ yếu tập trung công nghệ cao trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Ngành nông nghiệp của CH Séc có tính độc đáo và có nhiều khía cạnh thú vị. Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất cây trồng, Séc hoàn toàn tự chủ hầu hết các mặt hàng. Những nông sản phổ biến nhất là ngũ cốc, cải dầu, khoai tây và củ cải đường. Ngoài ra ngành trồng hoa bia và nho chiếm vị thế vô cùng quan trọng và cũng là ngành xuất khẩu truyền thống của CH Séc.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất chăn nuôi được tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, bò, lợn, gà và cá nước ngọt được phát triển lâu đời. Sản xuất nông nghiệp có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với sản xuất lương thực và đây cũng là một trong những ngành truyền thống của nền kinh tế CH Séc.
“Chúng tôi rạng danh toàn thế giới về xuất khẩu bia, hoa bia, mạch nha, các sản phẩm từ sữa và thịt, bánh kẹo, bánh mỳ và thực phẩm, xuất khẩu giống vật nuôi, trang trại chất lượng cao và các vật liệu di truyền khai thác từ vật nuôi”, Bộ trưởng Marek VYSBORNY chia sẻ.
Ông Myrek nhấn mạnh tới hai sản phẩm đặc trưng nhất cho ngành nông nghiệp Séc đó là bia và hoa bia. Séc là nhà trồng hoa bia lớn thứ 3, đồng thời là nhà trồng giống hoa bia thơm, ngon, hảo hạng nhất thế giới.
Ngoài ra, ngành sản xuất sữa, Séc thuộc hàng đầu thế giới và lớn thứ ba trong khối EU. Séc có truyền thống chăn nuôi bò sữa lâu đời, áp dụng những quy trình sản xuất hiện đại, tự động hóa trong quá trình sản xuất.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Séc, trao đổi thương mại, giao thương giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng, phát triển và hợp tác song phương. Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai quốc gia có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, việc này cho thấy hai bên đang thành công trong việc thúc đẩy thương mại song phương hai chiều.
Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Séc đã bổ nhiệm ông Lubos Marek làm đại diện Bộ Nông nghiệp CH Séc tại TP Hồ Chí Minh với mục đích hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Séc – Việt dễ dàng kết nối và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Chia sẻ thân mật với cộng đồng các doanh nghiệp hai nước tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho rằng Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường nông, lâm, thủy hải sản toàn cầu.
Nông sản Việt Nam đã vươn mình ra thế giới và đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt trên 12 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp nhiệt đới. Hợp tác đầu tư, thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều dư địa lớn. Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Séc.
Việt Nam với điều kiện địa lý thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đã và đang đem lại nhiều cơ hội, thuận lợi mới cho các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quan trọng hơn, Séc có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến nông sản. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Séc vào đầu tư, chuyển giao công nghệ chế biến, kinh doanh nông lâm, thủy, hải sản, các sản phẩm chăn nuôi thú y.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định: ‘‘Việt Nam cam kết, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Séc, phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam.
XUÂN KHU- TTXVN