Khách quốc tế đến miền Tây quá ít, cả năm chỉ hơn 2 triệu lượt

Khách quốc tế du lịch đến 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 chỉ 2,1 triệu lượt, dù trước đó Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút.

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nêu thực trạng khách quốc tế đến các tỉnh miền Tây rất ít trong năm qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – nêu thực trạng khách quốc tế đến các tỉnh miền Tây rất ít trong năm qua – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Thông tin được ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – nêu ra tại Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần 3 năm 2024 với chủ đề “Du lịch xanh phát triển bền vững”.

Ông Dũng cho biết thêm, năm 2023, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đặt trong bối cảnh chung của cả nước còn nhiều thách thức.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, chương trình liên kết mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước và từng địa phương ở Tây Nam Bộ. Lượng khách du lịch nội địa đã tăng mạnh so với thời điểm trước đây. Tuy nhiên khách quốc tế vẫn còn quá ít.

Ông Dũng dẫn ra con số chỉ khoảng 2 triệu lượt khách đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023, dù trước đó Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút như: miễn thị thực và cấp thị thực điện tử; chính sách đối ngoại song phương và đa phương với khu vực và thế giới.

Ngoài ra, ông Dũng cũng nêu những hạn chế trong thu hút khách du lịch tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như chưa có sản phẩm du lịch “chủ lực”, trong khi nhiều nước trong khu vực có nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế.

  • ĐBSCL phù hợp với xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp

  • Liên kết quảng bá du lịch cụm phía đông ĐBSCL

  • Du lịch TP.HCM – ĐBSCL cần có thương hiệu chung

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động chưa thật sự hiệu quả; các chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tại các thị trường trọng điểm còn ít.

Công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng “chặt chém” du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch vùng…

Tại diễn đàn, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đã nêu nhiều giải pháp nhằm thu hút khách du lịch đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Trước mắt trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành trên tất cả các nội dung đã thống nhất.

TP.HCM với vai trò là chủ tịch hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng, đề xuất 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng và hiệu quả.

Phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa; phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và báo Tuổi Trẻ, Viện Nghiên cứu du lịch và xã hội tổ chức lễ phát động “Chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024”.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 năm 2024.

Hoa hậu Du lịch ĐBSCL 2022: Thay phần thi áo tắm bằng áo bà ba, không chú trọng ngoại ngữHoa hậu Du lịch ĐBSCL 2022: Thay phần thi áo tắm bằng áo bà ba, không chú trọng ngoại ngữ

TTO – Hoa hậu Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long 2022 – cuộc thi tìm kiếm gương mặt đại diện cho ngành du lịch Tây Nam Bộ – là một trong số ít cuộc thi sắc đẹp bỏ phần thi trang phục áo tắm, thay vào đó là phần thi áo bà ba.

Theo Tuổi trẻ

Trả lời