Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, kiên trì chính sách đối ngoại hòa bình hữu nghị, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Truyền thống ngoại giao hòa bình hữu nghị; Kết hợp giữa ngoại giao và quân sự, kinh tế; tinh thần dân tộc độc lập tự chủ, sự linh hoạt và sáng tạo trong hoạt động đối ngoại.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đối ngoại quý báu, truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm, ý chí tự cường dân tộc, bảo vệ độc lập độc lập chủ quyền đất nước, sự năng động sáng tạo trong hoạt động đối ngoại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị, quân sự với ngoại giao, giữa vừa đánh vừa đàm, vừa cương, vừa nhu, quan tâm đến việc xây dựng quan hệ hữu nghị với các dân tộc, các nước láng giềng đã đươc dân tộc Việt Nam chú trọng từ rất lâu đời. Đây là nét đặc sắc của truyền thống ngoại giao dân tộc được Đảng và nhà nước Việt Nam kế thừa, phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng nói chung và trong việc xây dựng, triển khai đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới nói riêng.
Một trong những nét nổi bật hàng đầu trong truyền thống ngoại giao của dân tộc là truyền thống ngoại giao hòa bình, hữu nghị. Đây sự thể hiện tư tưởng đối ngoại nhân văn, hòa hiếu bắt nguồn từ chiều sâu bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng còn được quy định bởi vai trò, vị trí địa- chiến lực, địa- chính trị quan trọng của nước ta ở khu vực. Trong quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù thường phải đối mặt với các thế lực xâm lược nước ngoài lớn mạnh gấp bội, song dân tộc ta trong đối ngoại, một mặt thể hiện rõ tinh thần quật khởi, không chịu khuất phục, mặt khác luôn chủ động khôn khéo, sáng tạo linh hoạt và mềm dẻo, biết cách vượt qua những thử thách hiểm nghèo để bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất dân tộc.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của ông cha; đồng thời những bài học kinh nghiệm đối ngoại quý báu của Đảng trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng giành và giữ chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đã góp phần làm giàu và phong phú thêm truyền thống ngoại giao dân tộc. Với những thành công trong đối ngoại, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, phân hóa được kẻ thù làm thất bại âm mưu thù địch, chống phá cách mạng. Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và nhà nước Việt Nam càng coi trọng việc kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc trong trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại.
Chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận của Đường lối chính sách đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế về quan hệ với các nước láng giềng và với các nước lớn; phương châm, nguyên tắc đối ngoại Hồ Chí Minh. Trong hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và triển khai hoạt động đối ngoại thời kỳ Đổi Mới, Đảng và nhà nước Việt Nam luôn kiên định lập trường tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là vấn đề có tính nguyên tắc, những nội dung cách mạng triệt để về thời đại về vấn đề dân tộc và quốc tế, về quan hệ quốc tế và tinh thần đoàn kết theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, là một nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống các quan điểm về đường lối chiến lược, sách lược đối với các vấn đề quốc tế và quan hệ quốc tế, về chính sách và hoạt động đối ngoại của Đảng, nhà nước Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh không ngừng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước, vì hòa bình hữu nghị, dân chủ và tiến bộ xã hội cho toàn nhân loại. Giữ vững độc lập tự chủ, hòa bình và đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Đồng thời đây cũng là cơ sở nền tảng của đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước Việt Nam.
Đối với Hồ Chí Minh, chính sách đối ngoại của nước Việt Nam mới là chính sách đối ngoại rộng mở, hòa hiếu với các dân tộc, đoàn kết quốc tế rộng rãi theo phương châm “thêm bạn bớt thù”. Người nhấn mạnh quan điểm “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Chủ trương phát triển quan hệ hợp tác với các nước, song Hồ Chí Minh chú trọng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và khu vực. Hồ Chí Minh luôn coi trọng ngoại giao là một mặt trận, một nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Người nhấn mạnh phải kết hợp chặt chẽ ngoại giao với chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao chính phủ với ngoại giao nhân dân. Tư duy biện chứng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vừa là nguyên tắc vừa là phương châm, phương pháp chỉ đạo hoạt động đối ngoại và xử lý vấn đề quốc tế. Hồ Chí Minh còn nêu một mẫu mực về phong cách ngoại giao mang đậm tính nhân văn, lịch lãm tế nhị và tự chủ, bình tĩnh và đĩnh đạc, chủ động và tỉnh táo. Quan điểm của người lấy thuyết phục làm phương châm ứng xử, tạo nên sự cảm phục ngay cả với kẻ thù. Tư tưởng đối ngoại rộng mở, linh hoạt mềm dẻo có nguyên tắc của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn cờ tư tưởng định hướng cho đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu đối ngoại là phải tạo lập được môi trường quốc tế hòa bình thuận lợi cho công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu của hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế bao gồm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trung tâm của đất nước vì sự phát triển chung của nhân loại. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế phải hướng tới nhiệm vụ chính trị trung tâm của đất nước là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế của đất nước; đồng thời góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hai mục tiêu này nằm trong một tổng thể chung thống nhất, có mối quan hệ nhân quả. Bởi vì, có thực hiện được mục tiêu chính trị trung tâm của đất nước, thì mới có điều kiện để khẳng định sự phát triển, tiến bộ đạt được của nước ta trong tiến trình mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế thông qua đó, mới nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế và có thực lực để đóng góp cho hòa bình, độc lập dân tộc và sự phát triển, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Đối với Việt Nam hiện nay, lợi ích quốc gia dân tộc cơ bản và cao nhất về đối ngoại là giữ vững hòa bình để phát triển. Do đó mục tiêu đối ngoại là phải tạo lập được môi trường quốc tế hòa bình thuận lợi cho công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững hòa bình, tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi, một mặt góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền an ninh quốc gia, mặt khác tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của quốc tế cho sự phát triển của đất nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế, đồng thời đóng góp nhiều hơn đối với phong trào cách mạng thế giới.
Xuất phát từ mục tiêu đối ngoại đã được xác định, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tư tưởng chỉ đạo đối ngoại là giữ vững nguyên tắc vì độc lập thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới, và khu vực, phù hợp với từng đối tượng mà Việt Nam có quan hệ trong bất kỳ tính huống nào cũng tránh không để rơi vào thế đối đầu, cô lập hay lệ thuộc, củng cố hòa bình, an ninh,tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Nguyên tắc của quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế là giữ vững độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng,cùng có lợi thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong tiến trình mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, cần giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của từng quốc giá, của khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Một mặt, chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, mặt khác, kiên quyết yêucầu các đối tác cũng phải tôn trọng các nguyên tắc chung đã được quốc tế thừa nhận trong
Giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới là nhiệm vụ đối ngoại nặng nề, khó khăn phức tạp. Song chúng ta tin tưởng rằng, sự kế thừa, phát huy đặc sắc truyền thống ngoại giao dân tộc kết hợp chặt chẽ với chính sách ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm sắc “Cây tre Việt Nam” ngày nay nhất định sẽ trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tư tưởng chỉ đạo đối ngoại là giữ vững nguyên tắc vì độc lập thống nhất và chủ nghĩa xã hội; sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới.
TH.S ĐINH VĂN HIỂN- Nguyên chánh Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc