Tiềm năng hợp tác giữa Việt nam và Cộng hòa Séc còn rất lớn mà chưa được phát huy tương xứng. Các doanh nghiệp Séc hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Việt Nam – một trong những thị trường đang phát triển năng động nhất tại Đông Nam Á…
Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Séc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng trong những năm gần đây quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU nói chung, Cộng hòa Séc nói riêng có những bước phát triển rất tích cực. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid – 19, hai năm qua, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 828 triệu USD, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD, tăng 14,58%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD tăng 5,2 so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU như: sắt thép tăng 739%, máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%.
Đặc biệt, năm 2023, nhiều cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. “Điều này chắc chắn sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho xuất khẩu, nhất là các mặt hàng trọng điểm Việt Nam có thể cạnh tranh như nông nghiệp, dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ”,lãnh đạo VCCI nhấn mạnh.
Về đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,39 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Séc vào Việt Nam chủ yếu vào lĩnh vực: khai khoáng, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.
Chủ tịch VCCI đánh giá cao việc Cộng hòa Séc đã đưa Việt Nam, quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á vào danh sách 12 nước thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như đã công bố trong chiến lược xuất khẩu của Cộng hòa Séc trong những năm qua.
Thương mại giữa hai nước trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới nhằm tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt hơn 70 năm qua.
KHAI THÁC TIỀM NĂNG HAI BÊN
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Séc vào khai thác. Bởi Việt Nam là quốc gia thành viên của cộng đồng kinh tế Asean (AIC), với trên 600 triệu dân nằm ở khu vực được đánh giá và dự báo là năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, quy mô GDP 2.800 tỷ USD.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh mở rộng quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, giáo dục, đào tạo… với trên 200 quốc gia vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đến nay Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện tại đang đàm phán 2 FTA khác.
Ngoài ra, Việt Nam tham gia và ký kết Hiệp định thương mại tự do với 17/20 đối tác trong G20; 7/7 đối tác trong G7. Trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với 55 nền kinh tế, hơn 90% dòng thuế suất sẽ có lộ trình cắt giảm về 0%. Đây được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã thiết lập cở sản xuất trọng yếu tại Việt Nam và từ đó tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cho khu vực và trên thế giới. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là minh chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp Cộng hòa Séc hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Việt Nam. Bộ Công thương và các Bộ ngành của Việt Nam cam kết ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Séc phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định. Ông Phạm Tấn Công cũng trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Séc hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến khu vực kinh tế phát triển năng động hàng đầu của Việt Nam gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, gắn với trục đường cao tốc phía Đông của Việt Nam, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Trung quốc dài gần 300km.
Đây là bốn địa phương có chính quyền năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống đường cao tốc tốt nhất hiện nay; có 3 sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào với quy mô dân số gần 7 triệu người.
Ông Jozef Sikela, Bộ trưởng, Bộ Công thương Cộng hòa Séc đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, đâu đâu cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư tuyệt vời. Doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau cần tìm kiếm những cách thức để tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, kết nối với nhau.
Chủ tịch liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc ông Jaroslav Hanak bổ sung, Séc muốn khai thác tiềm năng của Việt Nam một cách đầy đủ hơn. Séc coi Việt Nam không chỉ là thị trường xuất khẩu mà còn là đối tác muốn thúc đẩy hơn nữa mối hợp tác quan hệ gần gũi.
“Lợi thế của doanh nhân Séc là dễ dàng thích ứng với văn hóa, lịch sử của từng quốc gia. Họ dựa vào tài chính ngân hàng và bảo hiểm của Nhà nước là thế mạnh. Các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ, công nghiệp sáng tạo của Séc rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam”, ÔngJaroslav Hanak cho hay.
Tại diễn đàn diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước: Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines JSC trao chứng chỉ nhà cung cấp dịch vụ cho trường đào tạo bay F AIR, Cộng hòa Séc; hợp tác giữa trung tâm đào tạo bay – Tổng công ty hàng không Việt Nam và trường đào tạo bay C.H Sec F AIR.
Bay Việt là công ty con của Vietnam Airlines. Theo đó, học viên của Bay Việt sau khi hoàn thành giai đoạn huấn luyện tại Việt Nam sẽ được chuyển tiếp qua CH Séc để tiếp tục giai đoạn huấn luyện bay thương mại tại trường đào tạo Bay Air. Học viên hoàn thành giai đoạn huấn luyện phi công cơ bản tại Bay Việt và F AIR sẽ được bàn giao cho Vietnam Airlines để huấn luyện chuyển loại và bổ sung vào đội ngũ phi công của Vietnam Airlines JSC.
VŨ KHUÊ