Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp trên hai mặt thời cơ, vận hội và nguy cơ, thách thức.
Theo đó chiến tranh cục bộ, xung đội vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chính sách chiến lược nhằm khẳng định vị thế và lợi ích riêng của mình theo hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh; cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau, chi phối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, cố gắng làm hết sức mình của cả nhân loại, nguy cơ chiến tranh mới được ngăn chặn, đẩy lùi, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại; Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là một xu thế khách quan.
Việt Nam nhận thức đúng đắn, sâu sắc xu thế trên và cho rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển tạo ra cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội tốt để xây dựng, phát triển đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, tiềm lực kinh tế được tăng cường, vị thế Việt Nam được nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là một công việc hệ trọng, không đơn giản, dễ dàng, chủ quan, nóng vội, mà đòi hỏi mỗi quốc gia tham gia hội nhập đều phải tự vận động, tự chuẩn bị hành trang, lộ trình và tâm thế tốt nhất cho mình.
Do vậy, để hội nhập quốc tế ngày thêm sâu rộng và hiệu quả, Việt Nam nhận thấy, cần phải chủ động, tích cực trong tư tưởng nhận thức và hành động; trong chủ đạo vào tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành. Cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bài bản để hội nhập đúng hướng, bắt nhịp được xu thế này, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, dân tộc. Với yêu cầu khẩn trương, thận trọng, khoa học, cầu thị, các cơ quan chức năng tiến hành việc xây dựng chiến lược và lộ trình hội nhập phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của Việt Nam theo chủ trương đổi mới đồng bộ, mở cửa và hợp tác cùng có lợi. Nhờ nhiều việc làm cấp thiết, chính xác, trách nhiệm và kịp thời, bước đầu giúp cho Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế đảm bảo an toàn, đúng hướng và ngày càng tiếp cận sâu, toàn diện vào sân chơi quốc tế. Một trong nhiều công việc cần làm ngay đó, là khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, sửa đổi một số Bộ Luật và luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam để tạo ra sự tương đồng và phù hợp với luật chơi quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tham gia ký kết. Những nội dung, điều khoản của luật mang tính nguyên tắc bất di, bất dịch khẳng định điểm riêng biệt của Việt Nam cần được tôn trọng để đảm bảo hòa nhập nhưng không hòa tan, giữ vững được mục tiêu độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa… thì được giữ nguyên không sửa đổi, cần tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn, dẫn dụ Điều 4 của Hiến pháp năm 2013. Chỉ xây dựng, sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, điều khoản không phù hợp, không tương đồng với luật pháp quốc tế, chưa tạo được hành lang pháp luật và điều khiện thông thoáng cho đất nước ta hội nhập an toàn, thuận lợi, hiệu quả và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam.
Đáng chú ý, trong thời gian Quốc hội Việt Nam cùng các cơ quan chức năng, có thẩm quyền khẩn trương, trách nhiệm việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về chính trị; tiếp tục phục vụ tiến trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân; hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; góp phần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28/11/2013. Đây là sự kiện chính trị- pháp lý trọng đại, đánh dấu bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài và quy định những vấn đề lớn, còn các vấn đề cụ thể do Luật quy định. Do vậy, để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, kịp thời. Trong đó một số nội dung, điều khoản đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, phù hợp với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Việt Nam; phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Luật dân sự năm 2015 tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự trong nước và nước ngoài. Và đồng thời phát huy được vai trò công cụ pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về mặt dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân tổ chức.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền khác của Việt Nam đã, đang tích cực tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật khác để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam. Những nội dung, điều khoản của các luật được sửa đổi, bổ sung được đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, cụ thể dễ hiểu và tương đồng, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế. Theo đó, rất nhiều Bộ Luật (Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, Luật đất đai, Luật cư trú, Luật Quốc tịch,..) đã được Quốc hội Việt Nam xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời, giúp cho Việt Nam chủ động, tự tin đi vào sân chơi quốc tế.
Những việc làm quan trọng và cần thiết trên của Việt Nam, khẳng định rõ tư tưởng chủ động, tích cực, sẵn sàng tham gia hội nhập và xử lý đúng đắn, trách nhiệm với những đòi hỏi khách quan của xu thế này. Chúng ta tin tưởng, dù phía trước hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với thái độ xây dựng, quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, cầu thị, tin tưởng và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó các cơ quan chức năng giữ vai trò nòng cốt trong Quốc hội và Chính phủ sẽ là động lực và nhân tố quan trọng để đưa Việt Nam thành công trên con đường hội nhập với cộng đồng quốc tế.
TH.S ĐINH VĂN HIỂN- Nguyên chánh Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc.