Hồi hộp và lo lắng chờ đợi một phán quyết

Có mặt tại Trụ sở TAND huyện T, tỉnh B dự thính một phiên tòa hôn nhân gia đình. Đúng 08 giờ sáng ngày 29/8/2024 phiên tòa bắt đầu xét xử vụ án ly hôn giữa chị T và anh H. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, không khí trở nên khá tỉnh lặng cho một hành trình vấn đáp làm sáng tỏ các tình tiết, chứng cứ của vụ án.

Chị T và anh H quen nhau qua mạng xã hội, qua thời gian tìm hiểu cả hai bỏ qua khoảng cách địa lý về nơi ở (Tiền Giang – Bến Tre), bỏ qua quá khứ thời tuổi trẻ của chị T có một người con riêng ngoài hôn nhân với người đàn ông khác mà cả hai tự nguyện tiến đến hôn nhân với sự đồng ý của gia đình hai bên. Chị T mang thai nhưng chị T vẫn tiếp tục đi làm công nhân tại Tiền Giang, anh H vẫn làm kinh tế tại Bến Tre, đôi tuần, một tháng chị T mới về nhà chồng một lần, cả hai thỏa thuận khi sinh con thì chị T mới về ở luôn nhà anh H. Gia đình hai bên chưa hết vui mừng chào đón cháu trai đầu lòng của cặp vợ chồng trẻ thì khi con mới hơn hai tháng tuổi chị T làm đơn xin ly hôn. Phiên tòa hôm nay xoay quanh vấn đề chính là giành quyền nuôi con – tính đến ngày xét xử đứa trẻ được 09 tháng 12 ngày tuổi.

Anh H nhiều lần chia sẽ với chúng tôi anh không mong muốn kết thúc cuộc hôn nhân, anh còn thương vợ và mong muốn được hàn gắn để có thể cùng vợ chăm sóc, nuôi dưỡng con chung, để con được trưởng thành trong một gia đình đầy đủ cả cha và mẹ. Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát đưa ra nhiều câu hỏi cụ thể, sâu sắc nhằm đánh giá điều kiện nuôi con của hai bên nguyên bị đơn. Anh H vốn là người ít câu từ, lời lẽ khi được hỏi nhu cầu của con cần gì anh nói ngay là uống sữa, ăn dặm, anh còn nói rõ loại sữa con đang uống, cách thức pha sữa, số lần uống sữa, cách thức nấu cháo cho trẻ ăn dặm. Chị T có phần lanh lợi, nhiều lý luận hơn khi được đại diện Viện kiểm sát hỏi chăm sóc con trẻ ở tháng tuổi như con chị cần những gì thì chị T chỉ nói cần sữa, tả và đưa ra các lý do anh H không đủ điều kiện nuôi con như: môi trường sống bên gia đình anh H không tốt cho sự phát triển của con chung, việc tách con ra khỏi nguồn sữa mẹ là vi phạm pháp luật. Chị T không nhắc gì đến việc gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, nơi ở là một căn nhà nhỏ trên đất vỏn vẹn diện tích 100 mét vuông, ngoài ra không còn đất sản xuất khác, mức lương khoảng 10 triệu đồng của chị phải nuôi thêm một người cha đang bệnh ung thư phổi thời kỳ cuối, một người mẹ đã hết tuổi lao động, và một con riêng đang học lớp một, chưa kể sống cùng nhà là một em trai đang không đi làm từ khi cha bệnh đã nghỉ việc để chăm sóc cho cha. Chị T thay đổi lời trình bày giữa phiên tòa lần đầu và phiên tòa này để giấu đi những điều kiện bất lợi trên. Đồng thời khỏa lấp việc không một lần về thăm con bằng lý do sợ anh H và gia đình gây bất lợi cho chị.

Phần tranh luận nảy lửa diễn ra tiếp theo đó, phía chị T đưa ra quy định về trẻ dưới 36 tháng tuổi đề nghị được giao quyền nuôi con, phía anh H cũng không kém cạnh dẫn ra án lệ 54 ngày 14/10/2022 về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và khoản 1, khoản 3 Điều Nghị quyết 01 ngày 16/5/2024 của HĐTP TAND tối cao về đảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con và qui định về người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để đề nghị được tòa án chấp nhận cho tiếp tục trực tiếp nuôi con như hiện tại.

Ai cũng có lý lẽ cho riêng mình để giành lấy quyền nuôi con. Nhưng nuôi con nào chỉ là quyền đó còn là nghĩa vụ. Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, cả hai đều là người thất bại, con trẻ là người gánh chịu hậu quả lớn nhất, chính cha mẹ đã tước đi một gia đình tròn vẹn của bé, ai cũng là người có lỗi cho sự thiếu vắng tình thương trong tương lai của bé. Vậy tại sao không ai chịu ngồi lắng lại mà suy xét và tự đánh giá xem cha hay mẹ mới có khả năng đem lại một cuộc sống tốt đẹp nhất cho con, sống với ai sẽ đủ đầy hơn trong sự khiếm khuyết tình thương của người còn lại. Cả cha và mẹ ắc hẳn tự có cho mình một câu trả lời nhưng không chịu chấp nhận là người buông tay.

Trước khi vào nghị án, vị đại diện viện kiểm sát sau khi phân tích điều kiện thực tế của hai bên, liên hệ các qui định pháp luật liên quan đã đưa ra quan điểm đề xuất với Hội đồng xét xử giao quyền cho người cha được tiếp tục nuôi dưỡng con do người mẹ không có đủ thời gian tối thiểu để chăm sóc con. Phiên tòa kết lại với phần nghị án kéo dài của Hội đồng xét xử. Trong những ngày nghỉ lễ, chúng tôi hồi hợp chờ đợi những người cầm cán cân công lý đưa ra phán quyết mà chính phán quyết đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời còn lại của một trẻ mới chỉ hơn 09 tháng tuổi. Chúng tôi hết sức hi vọng và tin chắc rằng Hội đồng xét xử sẽ có một phán quyết thấu tình đạt lý.

PV

 

Trả lời