Ngày 21/8/1966, đoàn tàu liên vận chở chúng tôi sang Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay) để học tập. Thời gian này, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom Miền Bắc nước ta. Chúng tôi xác định học để trở về xây dựng đất nước!
Chúng tôi được các trường đón tiếp rồi phân về các lớp học tiếng. Riêng tôi phải vào bệnh viện điều trị, mặc dù khi đi tôi rất khỏe. Mấy tháng nằm viện, tôi vô cùng lo lắng vì chưa biết tiếng nước họ. Nhưng được các Bác sĩ của Bệnh viện Praha tận tình điều trị và các anh chị sinh viên khóa trên giúp đỡ nên tôi dần dần khỏi bệnh.
Học tiếng xong, tôi được phân về trường Đại học tổng hợp Purkyne tại thành phố Brno học chuyên ngành Vi sinh vật. Lúc này tôi đã khỏe và học tập như các bạn. Nhưng đến năm 1968, khi đang thực tập, tôi lại phải vào bệnh viện để mổ cấp cứu do bị viêm ruột thừa. Năm ngày sau, tôi bị nhiễm trùng phải phẫu thuật lại lần nữa. Lần này sức khỏe tôi rất nguy kịch, đau đớn kinh khủng. Các bác ở Đại sứ quán và bạn bè khắp nơi tới thăm, tưởng tôi không qua khỏi. Nhờ các bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo nên dần dần tôi đã bình phục và trở về học tập với các bạn.
Năm 1970, chúng tôi được phép về thăm gia đình. Tuy nhiên tôi lại không may mắn khi có trục trặc về Hộ chiếu và vết mổ vẫn không ổn. Năm 1972, tôi lại phải vào bệnh viện cấp cứu do đau bụng, song tôi vẫn cố gắng vượt qua và bảo vệ thành công luận án của mình dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Hodak. Nhà trường đề nghị cho tôi làm tiếp Doctorat tại Viện Vi sinh vật Hàn Lâm Khoa học Tiệp Khắc ở Praha. May mắn làm sao, tôi lại được gặp thấy Miloslav Stanek, Chủ tịch hội Nấm châu Âu. Thầy quan tâm tạo điều kiện cho tôi được đi tham quan một số cơ sở sản xuất nấm có quy mô công nghiệp của Tiệp Khắc.
Năm 1973, tôi trở về Việt Nam và được Bộ Giáo dục- Đào tạo phân về Bộ môn Vi sinh – Khoa Sinh, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm cán bộ giảng dạy. Năm 1984, tôi được trở lại Tiệp Khắc để thực tập nâng cao trình độ trong 1 năm. Thời gian này tôi được học các Thầy, Cô ở Trường Đại học Tổng hợp Purkyne Brno nay là Trường Masaricova. Lúc này tôi đã có 2 con, hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nên tôi cố gắng vượt qua, miệt mài nghiên cứu đề tài “Vi sinh vật trong công nghiệp sản xuất Nấm”. Đề tài này là cơ duyên giúp tôi gắn bó với nghề Nấm suốt đời.
Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc cho phép tôi ở lại thêm 1 năm nữa để hoàn thành luận án Tiến sĩ. Ngày 13/1/1987 tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đạt xuất sắc. Cũng trong thời gian này tôi đã nghiên cứu phát minh một sáng chế về công nghệ sản xuất nấm sò (Plecerptus) trên rơm lúa mỳ mà không cần khử trùng, nhưng cho năng suất cao. Sáng chế này được cấp “Patent số ZN 3286”, đã được áp dụng thử tại Komanno, trại nấm công nghiệp của Tiệp Khắc lúc đó. Sáng chế của tôi tiếp tục được thử nghiệm tại một số cơ sở sản xuất nấm khác của Tiệp Khắc, kết quả đạt năng suất cao hơn gấp 2 lần so với công nghệ sản xuất nấm sò của nước sở tại. Cũng vì vậy, lãnh đạo nhà trường đặt vấn đề mời tôi ở lại Tiệp Khắc làm việc. Tuy nhiên, tôi không nhận lời và quyết định trở về Việt Nam.
Tôi được phân công làm công tác Ban chấp hành Chi đoàn, rồi Công đoàn của Khoa Sinh học ngay khi về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tham gia Hội đồng Khoa học của Khoa Sinh. Những kiến thức học được trong thời gian ở Tiệp Khắc được tôi áp dụng và rất hiệu quả trong hội thi vấn đáp với sinh viên, viết sách chuyên đề, thực hiện nhiều đề tài về công nghệ sản xuất nấm ở bộ môn và Trường. Nghiên cứu quy trình giúp bà con nông dân các tỉnh sản xuất nấm ăn. Năm 1993, tôi bắt đầu đi sâu nghiên cứu sản xuất nấm dược liệu như nấm linh chủ, nấm đầu khỉ, nấm vân chi, nấm đông trùng hạ thảo và nhiều loài nấm khác có giá trị, thông qua thực hiện các đề tài. Tôi đã biên soạn, xuất bản thành sách các tài liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên mà trước đây bộ môn chưa hề có như Virus học, Vi sinh vật Y học, Công nghệ Sinh học trong Nông nghiệp.
Sau đó tôi còn có dịp sang Tiệp Khắc (CH Séc) dự Hội nghị Khoa học, được gặp lại các Thầy, Cô giáo cũ và mới. Tôi vô cùng xúc động và biết ơn các Thầy, Cô giáo, các Nhà Khoa học của Tiệp Khắc đã giúp tôi cập nhật những công nghệ mới, kiến thức mới. Tôi được tặng nhiều sách, tài liệu quý, trong đó có những cuốn sách không thể mua được và do chính tác giả ký tặng cho tôi. Đó là những quyển sách viết về những tác nhân gây ung thư, nấm chữa bệnh xưa và nay. Có quyển sách rất giá trị giúp người nghiên cứu xác định nhanh các vi sinh vật qua các môi trường. Đó là những kho kiến thức vô cùng quý giá, rất hữu ích đã theo suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên của tôi.
Sáng chế tôi được cấp Patent ở Tiệp Khắc cũng được tới ứng dụng tại Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên có giá trị và giúp tôi có được nhiều kết quả trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Tôi không bao giờ quên ơn Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc, nay là Cộng Hòa Séc đã cho tôi rất nhiều về kiến thức giá trị để tôi có được như ngày hôm nay.
PGS-TS. NGUYỄN THỊ CHÍNH