Tưởng như xa xôi, nhưng Cộng hòa Séc đã trở nên gần gũi, thân thương đối với tôi tự bao giờ. Với rất nhiều lợi thế sẵn có, tôi càng tin tưởng tình hữu nghị truyền thống, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Cộng hòa Séc ngày càng phát triển bền vững.
Những thước phim quay trở lại.
Cách đây 40, 50 năm, do điều kiện khách quan, lứa học sinh chúng tôi không có được nhiều lựa chọn như thế hệ bây giờ. Tốt nghiệp phổ thông đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh bom đạn đang ác liệt, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là ra trận. Trong số lưu học sinh cũng có khá nhiều người đã tham gia quân ngũ, bị thương rồi trở về đi học tiếp. Do đạt điểm thi cao môn Hóa học và Vật lý nên tôi được phân công học Hóa-Lý tại Tiệp Khắc.
Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Charles Praha (Univerzita Karlova, UK) và một thời gian thực tập, tôi về nước vào đầu năm 1981. Vào thời điểm đó, nhận công tác ở đâu là do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công, tuy nhiên Bộ cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho những người tìm được nơi đồng ý tiếp nhận. Trong thời gian chờ đợi việc, nỗi nhớ tới nơi mình đã từng sống, từng học tập gắn 7 năm trời đôi khi cứ lẩn quất. Về nước khoảng 4 tuần, một người bạn học ở Séc đã gửi cho tôi lời bài hát “Kolej Albertov” của Petr Spaleny, bài hát được sáng tác vào năm 1979 về Ký túc xá Albertov của trường UK, nơi tôi đã từng sống 5 năm. Bài hát có đoạn lời như sau “K těm nízkým domkům v prázdninovém čase jen zaběhnutá kočka zatoulá se, a z temných oken nezní ani tón, jen prach si tiše sedá do záclon”, “zkoušky blíží a moc času nezbývá Tỉ”… Lời bài hát dịch sang tiếng Việt “Đến những ngôi nhà thấp trong mùa lễ hội, chỉ có chú mèo đi lang thang vô định. Không một âm thanh nào phát ra từ những ô cửa số tối tăm, chỉ có bụi lặng lẽ lắng đọng trên rèm cửa”, “kỳ kiểm tra sắp đến gần rồi, không còn nhiều thời gian cho bạn đâu là phản ánh đúng thực tế của Ký túc xá Albertov.
Kolej Albertov được đánh số 7 năm trên phố Albertov dài khoảng 300 mét, được đặt theo tên của bác sĩ Eduard Albert, người đã giảng dạy tại trường Đại học Y khoa. Tại phố này, ngoài ký túc xá, nhà ăn (menza) còn có nhiều khoa của các trường đại học, vườn bách thảo, công viên, nhà thờ… Kiến trúc của ký túc xá gợi nhớ về những ngôi nhà gỗ của Mỹ (việc gắn bó với nhà gỗ là niềm tự hào của người Mỹ). Kỷ niệm thì nhiều vô kể, bao nhiêu vui, buồn, vất vả đã xảy ra trong thời gian sống tại Kolej Albertov. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ tới nụ cười đôn hậu của các ông, bà thường trực (vratny/vratna) khi chúng tôi rất chăm hỏi có thứ gì không, cần biết rằng vào thời điểm đấy, một là thư từ Việt Nam sang Séc thường mất từ 10-15 ngày, thậm chí lâu hơn.
Cánh sinh viên Kolej Albertov thường chơi bóng đá dịp thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả khi tuyết rơi, ngay tại dưới chân Vyšehrad – pháo đài lịch sử ở Praha-năm trên bờ đông của sông Vltava. Bên trong pháo đài là Vương cung thánh đường Thánh Peter, Thánh Paul và Nghĩa trang Vyšehrad, chứa hài cốt của nhiều người Séc nổi tiếng. Không xa Kolej Albartov là Vườn thực vật Albertov (Botanicka zahrada), thuộc Khoa Khoa học tự nhiên của UK, được chia thành nhà kính và khu triển lãm ngoài trời. Cách Albertov một đoạn là sông Vltava, con sông dài nhất ở Séc, chảy về phía đông nam qua Český Krumlov, České Budějovice và Praha và cuối cùng hợp nhất với Labe tại Melnik.
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (nay chia thành Cộng hòa Séc và Slovakia) đã trải qua hơn 73 năm lịch sử (thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 2 tháng 2 năm 1950). Trong đó có một thời kỳ đặc biệt sôi động từ đầu thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn và quyết liệt nhất. Tiếp theo là những năm tháng đầu tiên đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Rất may mắn khi chúng tôi được sang học tập là chứng nhân của thời kỳ đẹp đẽ và sôi động này.
Cộng hòa Séc đã trở thành một đất nước rất gần gũi
Sau khi về nước, với khoảng cách xa xôi, mặc dù vẫn thấy nhớ, lưu luyến đất nước này nhưng hầu như tôi không nghĩ tới khả năng có một ngày nào đó quay trở lại, hoặc có cơ hội hợp tác, hay tiếp tục gắn bó với đất nước Đông Âu xinh đẹp cách xa hàng chục nghìn km này. Tôi nghĩ rằng rồi tất cả đã trở thành kỷ niệm, nhưng rồi nhiều sự kiện xảy ra, rồi do nhiều lý do khác mà Séc đã trở thành đất nước rất gần gũi với tôi.
Lứa chúng tôi, những người Việt Nam đầu tiên ở Tiệp Khắc, hoặc là sinh viên hoặc công nhân sang học nghề, có thể được coi là thế hệ đầu tiên. Nhiều người Việt sang Cộng hòa Séc theo diện xuất khẩu lao động vào những năm 1980 đã ở lại gắn bó, chọn Séc là nơi sinh sống, học tập, làm ăn. Người Việt, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba, những người sinh ra, lớn lên tại Cộng hòa Séc đã hội nhập sâu sắc vào xã hội Séc. Rất nhiều người đang sinh sống, làm việc tại Cộng hòa Séc là người thân, là bạn học phổ thông, bạn học đại học, đồng hương, bạn quân ngũ của tôi.
Tôi có 2 dịp làm việc dài ngày tại châu Âu. Năm 1991- 1992, trao đổi tương đương tại Trường Đại học Bordeaux, Pháp. Năm 1994-1999 nghiên cứu viên mời tại Trường Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ. Do có duyên thế nào nên cả hai dịp đều làm việc chung với các Nhà Hóa học người Séc, cựu sinh viên của UK Praha. Tôi lại có dịp trao đổi bằng tiếng Séc với các đồng nghiệp Séc, trước sự ngỡ ngàng pha chút ngạc nhiên của đồng nghiệp Pháp, Bỉ. Khi biết tôi cũng tốt nghiệp UK, họ không giấu được niềm tự hào về UK, một trong những trường Đại học lâu đời nhất châu Âu, thành lập năm 1348, thuộc nhóm 1,5% của các trường Đại học tốt nhất thế giới. Khi làm việc tại hai quốc gia này mỗi khi có điều kiện (vào dịp nghỉ Noel, năm mới hay nghỉ hè) tôi đều chọn Séc đề về thăm bởi vừa có nỗi nhớ vùng đất này vừa có khá nhiều bạn bè tại đây.
Năm 2013, Chính phủ Cộng hòa Séc đã quyết định công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 ở quốc gia này. Đại sứ Việt Nam tại CH Séc, chứng nhân của sự kiện này là ông Đỗ Xuân Đông, một người đồng đội, đồng hương của tôi. Cũng do cơ duyên, năm 1978 khi ông Đỗ Xuân Đông đang theo học luật tại Azerbaijan, một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), tôi đã mời ông sang thăm Cộng hòa Séc vào dịp hè. Khi đó một người bạn Séc của tôi nói đùa “Sau này có khi anh (Mr. Đông) trở thành lãnh đạo ngành ngoại giao của Việt Nam”. Khen cho con mắt tỉnh đời của bạn, sau một thời gian, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ông Đỗ Xuân Đông lần thứ hai quay lại Cộng hòa Séc, lần này với cương vị là một nhà ngoại giao.
Lứa lưu học sinh chúng tôi luôn nhớ tới các thầy cô giáo cũ, những người bạn Séc. Cuộc gặp mặt năm 2015 của cựu lưu sinh viên với các thầy, cô giáo dạy tiếng Séc tại České Budějovice tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là dịp các cựu lưu học sinh Việt Nam từng học tiếng tại đây thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân tới các thầy, cô giáo đã giành mọi tri thức và tình cảm tốt đẹp nhất cho các thế hệ sinh viên Việt Nam. Buổi giao lưu, gặp gỡ diễn ra trong không khí ấm cúng, tình cảm và rất sôi nổi, các lưu học sinh vẫn luôn dành cho Cộng hòa Séc và Slovakia những tình cảm đặc biệt. Các lưu học sinh đều bồi hồi nhớ tới rất nhiều kỷ niệm và luôn biết ơn Chính phủ Séc đã tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được học tập tại Cộng hòa Séc. Các cựu lưu học sinh Việt Nam luôn nhờ tới các thầy cô giáo Séc, những người đã coi các học sinh Việt Nam như con, như em, như cháu và thậm chí như những người bạn.
Con gái thứ hai của tôi trở thành con dâu của một gia đình người Việt sống tại Praha từ lâu năm. Hai cháu đã gặp nhau và yêu nhau ở London, Vương quốc Anh. Tại lễ cưới của hai cháu tổ chức năm 2019 tại Trung tâm thương mại Sa Pa, Praha, tôi có phát biểu “Đúng là do duyên nên hai cháu nên vợ, nên chồng nhưng cũng do cơ duyên này mà tôi lại có cơ hội “được” sử dụng tiếng Séc nhiều hơn, “được” quan tâm tới đất nước này nhiều hơn, bên chặt hơn”. Cũng nhờ hai cháu nên vợ, nên chồng mà tôi lại có dịp thưởng thức các món ăn mang tính dân tộc của Séc vì bà thông gia là người nấu ăn giỏi cả món Việt và món Séc, thí dụ như rizek (thịt tẩm bột rán), knedlíky (bánh hấp), bramboraky (bánh kếp khoai tây), chlebicky, parek v rohliku (hot dog), gulas… đặc biệt là món cá chép vào dịp lễ Noel và năm mới.
Tiến sĩ PHÙNG HÀ