Tại CH. Séc đến nay có nhiều tổ chức Hội, đoàn thể (gọi tắt là hội, đoàn) của người Việt đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, tích cực, đem lại giá trị tinh thần phong phú và sức mạnh đoàn kết cho cộng đồng người Việt. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội người Việt tại châu Âu đã trao đổi nhanh với PV. Báo VietnamEuropa về vấn đề này.
PV: Thưa ông Hoàng Đình Thắng, được biết tuy ở xa Tổ quốc, điều kiện sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn không thuận lợi, nhưng bằng các hình thức linh hoạt, sáng tạo, các tổ chức hội, đoàn của người Việt ở CH. Séc vẫn là chỗ dựa về tình cảm và tinh thần, gắn kết mọi người với nhau. Theo ông, nguyên nhân nào tạo được kết quả như vậy?
– Ông Hoàng Đình Thắng: Có một thực tế là ở những nước khu vực Đông Âu, cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm ăn, học tập có số lượng lớn, riêng tại CH. Séc có tới gần 100.000 người Việt. Trong số này, những người thuộc thế hệ thứ nhất (được cho là những người từ 60-80 tuổi) ở lại CH Séc chính là những người trước đây tại Việt Nam là những Đảng viên, Đoàn viên, là hội viên các Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Hội đồng hương, Hội học sinh- sinh viên… Càng xa Tổ quốc, đời sống tinh thần càng được coi trọng và bản thân họ cũng có nhu cầu tham gia các tổ chức hội, đoàn.
Vì thế, có thể nói việc thành lập, tổ chức hoạt động của hội đoàn ở CH. Séc nói riêng và các nước Đông Âu có nói chung có thuận lợi hơn nhiều so với các nước khác. Các tổ chức hội đoàn này đã thu hút bà con người Việt tham gia một cách rất sôi nổi, kết nối mọi người cùng chí hướng lại với nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Cũng thông qua các bác, các anh chị lãnh đạo của các tổ chức hội, đoàn mà chúng tôi nắm bắt thông tin, tình hình cộng đồng người Việt trên toàn CH Séc được chính xác, kịp thời.
-PV: Ông có thể minh họa cụ thể được không?
– Ông Hoàng Đình Thắng: Có một sự thay đổi rất đáng trân trọng trong nhận thức của cộng đồng mà chúng tôi nhận thấy, đó là trước đây bà con người Việt thường chỉ tập trung thời gian, công sức vào kinh doanh, dịch vụ. Nhiều người ít khi đi du lịch, ít khi lui tới các tỉnh xa tổ chức gặp gỡ, hội họp, nhưng sau khi đối mặt với đại dịch covid-19, trải qua khó khăn, mất mát, cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu nói chung và tại CH Séc nói riêng đã có sự thay đổi. Đó là ý thức được đời sống tinh thần, mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng mới là tài sản quý giá nhất. Nhu cầu được trò chuyện, biểu diễn văn nghệ, sáng tác thơ ca, hoặc tổ chức những buổi giao lưu gặp gỡ, những bữa tiệc liên hoan ấm cúng với nhau trở nên thường xuyên hơn so với trước đại dịch Covid-19. Vai trò của các hội, đoàn đứng ra tập hợp bà con, tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề là rất cần thiết. Nói tóm lại, qua hoạn nạn, cộng đồng người Việt càng xích lại gần nhau hơn, tạo nên sức mạnh trong đời sống để có thể đùm bọc, giúp đỡ nhau khi cần.
PV: Thưa ông, bên cạnh sự hội nhập thành công của người Việt tại CH Séc, được Chính phủ và nhân dân CH. Séc tôn trọng và đánh giá cao, bằng chứng là từ năm 2013 cộng đồng người Séc gốc Việt được công nhận là Dân tộc thiểu số, nhưng vẫn còn một bộ phận rất nhỏ người Việt có hành vi vi phạm luật pháp nước sở tại?
– Ông Hoàng Đình Thắng: Nói đến hội nhập thành công của người Việt tại CH. Séc, chúng ta có thể tự hào khi thấy người Việt ngày càng khẳng định được trình độ chuyên môn cũng như uy tín và vị thế trong các lĩnh vực. Ví dụ ở Praha, 20 năm trước hầu như chưa có Bác sĩ, Luật sư, Công an hay người làm trong cơ quan Chính phủ là người Việt… nhưng bây giờ thì đã có khá nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một bộ phận nhỏ người Việt có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật tại CH. Séc gây hậu quả nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng: Thứ nhất là vấn đề trồng cần sa, sản xuất, buôn bán ma túy; thứ hai là hiện tượng lừa đảo của một số người Việt trong cộng đồng với nhau hoặc với người dân sở tại. Con số này tôi khẳng định là rất nhỏ, nhưng quả là “con sâu làm rầu nồi canh”. Do vậy đây cũng là mối quan tâm, là trách nhiệm của mỗi gia đình, của các hội đoàn.
Phối hợp với Đại sứ quán VN tại CH. Séc, các hội đoàn người Việt đã và đang tiếp tục có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động họ từ bỏ con đường làm ăn bất chính, kiên trì đấu tranh với những người này để giữ được hình ảnh, vị thế của người Việt trong mắt người dân nước sở tại.
Trong nhiều trường hợp đối tượng vi phạm luật pháp như nói ở trên, khi bị phát hiện thì chạy trốn về Việt Nam nên cùng rất cần được các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm xem xét, có biện pháp răn đe, xử lý theo quy định pháp luật để đảm bảo sự ổn định và phát triển của cộng đồng người VN tại CH. Séc nói riêng cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung.
PV: Xin cảm ơn ông Hoàng Đình Thắng về cuộc trao đổi này.
QUỲNH TRANG (thực hiện)