LTS: Ngày 03-7-2023 là mốc son kỷ niệm 10 năm cộng đồng người Séc gốc Việt được Chính phủ cộng hòa Séc công nhận là dân tộc thiểu số (2013-2023). Nhân dịp này. Báo Vietnam Eu- ropa đã phỏng vấn ông Đỗ Xuân Đông, nguyên trợ lý chủ tịch nước, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc (nhiệm kỳ 2010-2013).
PV: Thưa ông, khi nhận nhiệm vụ là Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc, điều gì đã thôi thúc ông gánh vác trách nhiệm biến ước mong và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc được công nhận là dân tộc thiểu số, thành hiện thực?
Ông Đỗ Xuân Đông: Trước khi sang Cộng hòa Séc, tôi đã có thông tin về cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc mong muốn được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số.
Ở thời điểm năm 2010, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc có khoảng 62.000 người mang quốc tịch Việt Nam dưới dạng cư trú dài hạn hoặc vĩnh trú và 29.800 người Séc gốc Việt (theo báo cáo của Phó Chủ tịchười ngoại quốc tại Cộng hòa Séc đông thứ ba sau cộng đồng người Ukraina và Slovakia. Bà con mình có “Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc”. Hội này có nhiều Chi hội và nhiều hội thành viên. Hội đã lập nhiều dự án về văn hóa, giáo dục xin tài trợ của Chính phủ và các Bộ cho cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhưng đều bị các cơ quan chức năng từ chối với lý do là “Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc chưa được công nhận là dân tộc thiểu số”.
Sau chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc năm 2007 của Thủ tướng Việt Nam, Hội người VN tại Cộng hòa Séc đã thay mặt cộng đồng gửi đơn lên các cơ quan liên quan của Cộng hòa Séc bày tỏ nguyện vọng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt tại Séc là dân tộc thiểu số. Tuy nhiên đó chỉ là những động thái ban đầu và chưa có lộ trình cụ thể nào. Khi gặp tôi, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Hội người Séc gốc Việt đều thiết tha mong Đại sứ sẽ có tư duy mới và những giải pháp giúp cộng đồng người Việt đạt được kết quả. Tôi khẳng định đây là nguyện vọng rất chính đáng đối với người Việt mình, đáng chú ý là đã có một bộ phận người Việt được định cư hợp pháp tại Cộng hòa Séc từ nhiều năm trước. Đó cũng là lợi thế để tôi đặt vấn đề với Chính phủ Séc xem xét, ủng hộ.
PV: Trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của Chính phủ Cộng hòa Séc nhằm đạt mục tiêu cộng đồng người Việt nam được công nhận là dân tộc thiểu số, khó khăn, trở ngại nhất đối với ông là gì?
Ông Đỗ Xuân Đông: Giai đoạn bấy giờ, nội bộ Chính phủ của Cộng hòa Séc cũng trải qua 3-4 lần thay đổi nội các và có tới 5 Đảng liên minh cầm quyền. Do đó tôi phải tìm mọi cơ hội tiếp cận, đặt lịch làm việc, đàm phán lần lượt với cả 5 Đảng liên minh đó. Gặp bất cứ yếu nhân nào trong 5 Đảng liên minh cầm quyền, tôi cũng đưa vấn đề cộng đồng người Việt Nam khát khao muốn được trở thành dân tộc thiểu số của CH Séc để bàn thảo một cách thẳng thắn. Bên cạnh đó mình cũng kêu gọi họ ủng hộ mạnh mẽ theo khả năng thực tế. Tuy nhiên, cũng không hề đơn giản, vì khi đó mỗi Đảng lại có một chính kiến khác nhau, nhìn nhận, đánh giá về cộng đồng người Việt cũng khác nhau. Tôi phải chứng minh những mặt mạnh, những ưu điểm trong phẩm chất, tính cách, ý chí vươn lên trong đời sống, học tập, làm ăn của cộng đồng người Việt tại Séc, đồng thời chứng minh những đóng góp đáng kể về kinh tế- xã hội của bà con mình đối với Cộng hòa Séc để thuyết phục họ.
Tại thời điểm tôi làm Đại sứ, trong cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc có một bộ phận nhỏ vi phạm pháp luật nước sở tại như trộm cắp, buôn lậu, đặc biệt là mua bán ma túy bị cảnh sát bắt giữ, xử lý. Thực tế này phần nào làm ảnh hưởng hình ảnh, uy tín người Việt trong mắt người dân, các cơ quan chức năng và chính quyền nước sở tại. Cơ quan chức năng của Cộng hòa Séc lấy đó là lý do để từ chối khi tôi đặt vấn đề công nhận dân tộc thiểu số cho cộng đồng người Việt tại CH Séc. Để giải quyết khúc mắc này, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tổ chức 18 chuyến thăm tại 10 tỉnh, thành ở các địa phương khác nhau của Cộng hòa Séc do Cục trưởng cục di trú, Bộ Nội Vụ và Tổng thư ký Hội đồng Dân tộc thiểu số của Chính phủ Séc làm trưởng Đoàn, khảo sát, đánh giá về tình thực trạng cộng đồng người Việt Nam cùng khả năng hội nhập của cộng đồng này vào xã hội Séc.
Một cửa hàng của người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa (thủ đô Praha, Cộng Hòa Séc) (Ảnh:VOV)
PV: Là Đại sứ trong hành trình vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, ông còn có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Ông Đỗ Xuân Đông: Tại thời điểm đó, có thể nói giới Truyền thông Cộng hòa Séc nhìn vấn để công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số không mấy thiện cảm và chưa khả thi. Năm 2010, vào dịp Kỷ niệm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam 2/9, tôi nhận được thông tin đột xuất, mau lẹ từ phía bạn là kênh Truyền hình CT24, một kênh thời sự, chính trị uy tín nhất lúc bấy giờ của Cộng hòa Séc sẽ phỏng vấn trực tiếp Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Vì có lẽ do “trục trặc từ phía chủ thể chủ trì nên trước đó tôi không nhận được thông báo về việc phỏng vấn trực tiếp trên kênh CT24. Tuy nhiên tôi vẫn tự tin đồng ý thực hiện ngay cuộc trả lời phỏng vấn.
Hôm đó, xung quanh vấn đề cộng đồng người Việt Nam mong muốn trở thành dân tộc thiểu số của Cộng hòa Séc, Biên tập viên của kênh CT24 (sau này tôi mới được biết vị phóng viên phỏng vấn trực tiếp tôi hôm đó là phóng viên gạo cội của CT24 chuyên “chọc ngoáy” các chính trị gia) đã đưa ra những câu hỏi “rất xoáy và làm khó” cho tôi. Nhưng tôi trả lời thẳng thắn và khẳng định đây là ý chí, nguyện vọng, là quyền lựa chọn chính đáng, hoàn toàn tự nguyện của cộng đồng người Việt, với mong muốn được quyền bình đẳng với các dân tộc khác đang sinh sống trên Lãnh thổ Cộng hòa Séc, một khi họ đã xác định rõ nhu cầu hội nhập và sẽ gắn bó lâu dài, coi đây là quê hương thứ hai của mình.
PV: Sau 10 năm được công nhận là dân tộc thiểu số của Cộng hòa Séc và tiếp tục hòa nhập, cộng đồng người Việt đã có những thuận lợi quan trọng như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Đông: Cách đây 10 năm, phóng viên các Hãng Thông tấn, Truyền hình, Báo chí của nước sở tại và cả các Hãng Thông tấn lớn của nước ngoài đã hỏi tôi “Mục đích ngài mong muốn cho cộng đồng người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số của Cộng hòa Séc là gì?”. Câu trả lời của tôi trước sau như một rằng “Cộng đồng người Việt Nam mong muốn được Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Séc công nhận là dân tộc thiểu số, không có mục đích nào khác là được quyền bình đẳng về mọi mặt với các dân tộc thiểu số khác đang sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa Séc”.
Thực tế cho thấy, 10 năm qua bà con mình đã được bình đẳng và thụ hưởng quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế như các cộng đồng dân tộc thiểu số khác cũng như cộng đồng người Séc. Người Việt nam có Quốc tịch Séc được tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng địa phương cũng như Trung ương. Những địa phương nào (cấp quận, huyện, phường, xã) có người Việt sinh sống thì nơi đó, trong Trụ sở làm việc phải có một phòng Văn hóa dân tộc Việt. Nếu địa phương nào có người Việt sinh sống 10% dân số trở lên thì ở đó nhà trường phổ thông phải có trách nhiệm tổ chức dạy ngôn ngữ Việt… cùng nhiều quyền lợi khác mà trước đó không thể có.
PV: Thưa ông, nhân dịp này ông muốn nói điều gì đối với kiều bào ta tại Cộng hòa Séc?
Ông Đỗ Xuân Đông: Ngày 3/7/2013 là một ngày vô cùng đặc biệt đối với tôi và các cán bộ, công chức, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhiệm kỳ 2010-2013. Khi được biết các thành viên Chính phủ Cộng hòa Séc đã nhất trí thông qua Quyết nghị số 530 công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt là dân tộc thiểu số, tôi xúc động, phấn khởi, tự hào thay cho kiều bào mình. Những ngày sau đó, đi tới đâu tôi cũng được bà con mình niềm nở chào hỏi, bày tỏ lời cảm ơn. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định thành công này có được trước hết là nhờ sức mạnh đoàn kết phấn đấu, yêu thương, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng người Việt. Hơn nữa cộng đồng người Việt có lịch sử lâu dài tại Séc, thực sự hội nhập rất thành công, tạo được hình ảnh tốt đẹp, tạo được niềm tin tưởng, sự hiểu biết, tôn trọng và thiện cảm của nhân dân và Chính phủ Cộng hòa Séc.
Nhân dịp này, tôi xin chúc cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thông minh, sáng tạo, năng lực hòa nhập và đức tính cần cù, chịu khó, kỹ năng sống, khởi nghiệp, thân ái, thương yêu giúp đỡ nhau những khi gặp mọi khó khăn; đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ với các dân tộc thiểu số khác ngày càng tốt đẹp và đi vào thực chất hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của Cộng hòa Séc và có những đóng góp ý nghĩa cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông.
TỪ NGỌC LANG (thực hiện)