Việt Nam và Cộng hòa Séc tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU(EVFTA), tiến tới thực hiện Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để có nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước kinh doanh, hợp tác làm ăn nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai nước lên một tầm cao mới…
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala, nước Cộng hòa Séc từ ngày 20 – 22/4/2023, ngày 21/4/2023, Liên đoàn Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ Séc tại Việt Nam, Phòng Thương mại Cộng hòa Séc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Séc.
NHIỀU CƠ HỘI HỢP TÁC MỚI
Khai mạc diễn đàn, Thủ tướng nước Cộng hòa Séc Petr Fiala nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng của Séc và khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ tốt đẹp của hai nước đã được vun đắp trong hơn 70 năm qua. Thực tế thương mại song phương tăng trưởng ổn định nhờ vào những ưu thế của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp.
Thủ tướng Petr Fiala cho biết rất vui mừng khi 2 nước Cộng hòa Séc và Việt Nam đã rất tích cực hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đổi mới. Điều này giúp cho hai nền kinh tế trở nên vững vàng hơn, sẵn sàng cho những thách thức mới.
Trong thời gian tới, nhờ vào nền tảng hợp tác phong phú này, hai bên sẽ thuận lợi hơn trong tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách. Cùng với nhau, chúng ta cần tiếp tục khả năng hợp tác nhằm góp phần giải quyết một số thách thức hiện nay.
“Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp này, đồng thời nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân Séc và Việt Nam trong các hoạt động kinh doanh và trao đổi, giao lưu bằng cách thành lập đường dây trực tiếp giữa hai quốc gia hay thành lập Trung tâm văn hóa Séc tại Hà Nội”, Thủ tướng Petr Fiala nhấn mạnh.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng 15% so với năm trước, đạt mức 848 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, hiện nay Cộng hòa Séc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu.
Trong lĩnh vực đầu tư, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 92 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Những thành công này, bên cạnh yếu tố nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc, sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên”.
Thủ tướng cũng cho rằng nền kinh tế của Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển với nhịp độ cao, cùng đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Séc, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực hai nước cùng có tiềm năng và lợi ích như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch…
Đồng thời, Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là giữ vững ổn định chính trị và xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
TẬN DỤNG TỐI ĐA LỢI THẾ EVFTA
THỦ TƯỚNG Phạm Minh Chính mong muốn Cộng hòa Séc mở cửa hơn nữa các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản, điện tử… là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm giao dịch với nhiều quốc gia trên thế giới.
Hai bên cần tận dụng tốt Hiệp định EVFTA, tiến tới thực hiện hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để có nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước kinh doanh, hợp tác làm ăn nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai nước lên một tầm cao mới.
Để tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội này, Thủ tướng Fetr Fiala cho rằng sự hợp tác của hai nước đòi hỏi tự do hóa thương mại nhiều hơn nữa. Cả hai bên đều cần có cơ chế thương mại mở với ít hạn chế hơn. Một bước tiến quan trọng hai bên đã đạt được là Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được ký kết vào năm 2020.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ tận dụng tối đa những lợi thế mà Hiệp định Thương mại mang lại, để tạo đà thúc đẩy thương mại song phương mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng Cộng hòa Séc nhấn mạnh.
Ông Vladimir Dlouhý, Chủ tịch phòng Thương mại Séc cho biết tháp tùng Thủ tướng Cộng hòa Séc sang Việt Nam lần này là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ máy móc và tài chính… với mong muốn khám phá nền kinh tế tiềm năng đang phát triển của Việt Nam cũng như thảo luận xu hướng kinh doanh hiện nay, cùng nhau tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất trong khu vực, tăng trưởng GDP hơn 7% trong những năm gần đây, đội ngũ lao động trẻ và có trình độ, hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cũng như những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và tự do hóa thương mại…
“Sau 30 năm quay lại, tôi thấy Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Đây là những cơ hội tuyệt vời cho các công ty của Séc đến Việt Nam hợp tác làm ăn. Chúng ta hãy cùng nhau tận dụng những cơ hội tốt nhất để kết nối, trao đổi ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp khác để khám phá những cơ hội mới”, Ông Vladimir Dlouhý nhấn mạnh.
Cộng hòa Séc mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xanh, xử lý nước thải, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo… Đặc biệt hai nước cần thúc đẩy tăng trưởng du lịch bằng việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Praha – Hà Nội. Nếu đường bay trực tiếp mở ra thì lượng khách du lịch từ Cộng hòa Séc sang Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Để doanh nghiệp hai nước làm ăn thuận lợi, Chủ tịch phòng Thương mại Séc cho rằng hai bên cần có những cơ chế mở trong thương mại vào thời gian tới. Đồng thời mong muốn cải thiện con số xuất nhập khẩu, để rút ngắn cán cân thương mại giữa hai nước.
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp hai nước.
Thỏa thuận hợp tác giữa công ty Hàng không Séc và hàng không Vietjet Air về hợp tác đào tạo phi công thương mại với các giấy phép PPL (bằng lái phi công tư nhân), IR (giấy phép bay thiết bị); CPL (bằng lái phi công thương mại); hợp tác đào tạo lý thuyết cơ bản vận tải hàng không (ATPL).
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn Armex và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam về tăng cường, đẩy mạnh hợp tác chung giữa hai đơn vị.
VŨ KHUÊ